25/08/2021 17:36
CÓ GÌ ĂN NẤY
“Có gì ăn nấy” là câu trả lời phổ biến của nhiều người khi chia sẻ về bữa cơm gia đình trong những ngày giãn cách xã hội vì bảo vệ bản thân an toàn trước dịch bệnh mới là ưu tiên hàng đầu. Nếu như trước đây, nhiều người có thói quen đi chợ hàng ngày vì muốn mua thực phẩm tươi ngon, dùng trong ngày thì từ khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân dần thích ứng với việc đi chợ một lần dùng nhiều ngày.
Chị Cao Thị Mộng Nghi, ngụ số 498/4 đường Lâm Quang Ky (TP. Rạch Giá) là công chức một cơ quan nhà nước, bình thường chị đi chợ sớm rồi mới đi làm. Chị Nghi cho biết: “Thực hiện giãn cách xã hội, tôi chấp hành việc dùng phiếu đi chợ, mua thức ăn dự trữ nhiều ngày. Không được đi chợ mỗi ngày để mua thức ăn tươi sống như trước nên tôi chọn thực phẩm có thể để lâu, dù không như ý nhưng thời điểm này an toàn là trên hết”.
Gia đình chị Trương Thị Kim Chung, ngụ số 115 đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) tận dụng khoảng 32m2 trên sân thượng trồng nhiều loại cải, bầu và dưa leo. Ban đầu vợ chồng chị Chung làm khu vườn nhỏ để gia đình được dùng rau sạch, vừa để tạo không gian xanh cho ngôi nhà, là nơi để vợ chồng chị thư giãn vừa dạy cho hai con của chị cách trồng rau, trải nghiệm cuộc sống. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp là lúc vườn rau cho thu hoạch, dù không đi chợ thường xuyên, gia đình chị Chung vẫn đủ rau xanh dùng hàng ngày. “Khi tình hình dịch bệnh ở TP. Rạch Giá diễn biến phức tạp, tôi không đi chợ, chủ yếu dùng rau nhà trồng”, chị Kim Chung chia sẻ.
Chị Trương Thị Kim Chung, ngụ số 115 đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) thu hoạch rau trong vườn rau của gia đình.
Nhà chị Nguyễn Thị Nhung, ngụ thị trấn Gò Quao (Gò Quao) có khu vườn khoảng 90m2 với nhiều loại từ dưa leo, đậu bắp, bồ ngót, cải, hành, ngò, ớt… đến các loại cây ăn trái như đu đủ, dừa... Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhất là khi thị trấn Gò Quao có người mắc COVID-19, chị Nhung ưu tiên mua cá đồng, thịt, trứng dự trữ và dùng rau trong vườn để nấu ăn hàng ngày. Chị Nhung chia sẻ: “Từ lâu gia đình tôi trồng rau ăn hàng ngày. Mùa dịch đi chợ khó khăn, vườn rau càng quan trọng, đảm bảo bữa cơm của gia đình đủ dinh dưỡng”. Chị Nhung còn cho hàng xóm rau. củ, cùng sẻ chia để vượt qua khó khăn mùa dịch.
GẮN KẾT YÊU THƯƠNG
Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội, các gia đình phải nấu bữa sáng ở nhà. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, nhiều người chế biến những món ăn phù hợp khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng nhất có thể. Những ngày trước khi có dịch, thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ số 317/1 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Rạch Giá) ít ăn sáng cùng nhau. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày ba bữa, gia đình chị đều ngồi ăn cùng nhau. Dù chế độ ăn của anh chị và hai con khác nhau nhưng quan trọng là bữa cơm hợp khẩu vị mỗi người, các thành viên được ngồi cùng nhau, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Theo chị Trần Thị Cẩm Loan, ngụ ấp Tân Điền, xã Giục Tượng (Châu Thành), nhà ở nông thôn, cha mẹ tuổi cao và có trẻ nhỏ nên tháng nào chị cũng đi siêu thị mua thực phẩm đủ dùng trong tháng. Khi dịch bệnh bùng phát, toàn xã Giục Tượng phải phong tỏa để phòng, chống dịch, đến nay thực phẩm dự trữ cũng cạn dần, may nhờ nhà có vườn rau, ao cá nên cũng đủ thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. “Tuy thiếu thốn so với trước nhưng khi nghĩ về những người có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch với những bữa ăn đôi lúc qua loa, vội vàng, tôi thấy mình được ở nhà là may mắn”, chị Cẩm Loan tâm sự.
Cùng nhau chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn bó, san sẻ công việc cùng nhau; cha mẹ dạy các con nấu ăn, giúp con trang bị những kỹ năng sống cần thiết. Con trai lớn sắp vào đại học, những ngày này, chị Trần Thị Cẩm Loan tranh thủ dạy con nấu ăn, làm việc nhà để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sắp tới. Chị Loan thường cùng con, cháu trong gia đình làm các loại bánh từ nguyên liệu sẵn có, qua đó gia đình vừa có món ăn ngon vừa tạo cơ hội cho các em trải nghiệm cuộc sống, lưu lại những kỷ niệm đẹp của gia đình.
Khi thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19, hầu hết người dân đồng thuận dù cuộc sống có phần thiếu thốn và bất tiện hơn trước. Khi nghĩ về những bệnh nhân mắc COVID-19 đang vật lộn để giành sự sống, những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, những tình nguyện viên đang ngày đêm làm nhiệm vụ quên mình với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh sớm nhất, nhiều người có chung suy nghĩ “Bản thân và gia đình an toàn trước dịch bệnh, sống yên bình bên nhau đã là niềm hạnh phúc”. Từ đó mỗi người nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh, góp phần chung tay cùng chính quyền đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Ngày 4-10, Trường Cao đẳng Kiên Giang khai giảng năm học 2024-2025. Tại buổi lễ, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ cho quỹ học bổng nhà trường và tài trợ học bổng du học cho sinh viên với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.
Tổng số lượt truy cập: