23/08/2023 10:57
Đến thăm vườn xoài của anh Phạm Thành Việt, ngụ ấp Hòn Đất, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chúng tôi gặp một nhóm 5 người làm nghề bao trái xoài. Mỗi người đeo một túi đựng đầy những chiếc bao nhỏ màu trắng, bên cạnh là mấy cái thang cao kèm với nhiều sợi dây thừng. Đây là những dụng cụ của người làm nghề bao trái xoài. Cả nhóm trò chuyện và chia việc cho từng người rồi nhanh chóng bắt tay vào việc.
“Có vườn xoài 7 công, mỗi lần vào vụ bao trái tôi thường thuê 3-5 người, nếu thời tiết thuận lợi chỉ mất khoảng 4-5 ngày hoàn thành công đoạn bao trái xoài”, anh Việt chia sẻ.
Nhân công bao trái xoài được trả khoảng 300.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập từ 5-7 triệu đồng khi đến mùa bao trái. Hàng ngày, họ làm việc từ 7 giờ đến 15 giờ, bữa ăn trong ngày sẽ do chủ vườn lo.
Vì thu nhập khá, đãi ngộ tốt nên việc này ngày càng có nhiều người làm, người dân nơi đây gọi vui những người làm nghề này là biệt đội bao trái xoài của xã Thổ Sơn.
Anh Nguyễn Văn Thọ bao trái xoài.
Làm việc được khoảng 2 tiếng thì nhóm người bao trái xoài nghỉ giải lao 15-20 phút. Quê anh Nguyễn Văn Thọ ở tỉnh Đồng Tháp, chính việc bao trái xoài đưa anh đến xứ Hòn và gắn bó với nơi đây được 6 năm.
Anh Thọ kể: “Việc này nghe thì dễ nhưng làm không đơn giản chút nào. Ban đầu tôi không biết cách dựng và cân chỉnh thang nên khi trèo lên thì thang bị lệch. Nếu vườn xoài ở đồng bằng, việc dựng thang đơn giản nhưng có nhiều vườn ở trên núi, có nhiều đá và địa hình dốc làm thang nghiêng, dễ ngã. Trên những cành cao có khá nhiều côn trùng nên thợ bao trái xoài thường bị ong chích, kiến cắn…”.
Người làm nghề này sợ nhất là gặp những cành mục hoặc cành to nhưng thân rỗng, bằng mắt thường khó phát hiện nếu không may trèo lên những cành này sẽ ngã bị thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Những hôm trời mưa, cành cây trơn trượt rất nguy hiểm.
Nghề nào cũng có sự vất vả, tuy nhiên do có thu nhập ổn định, lại không phải đi làm xa nhà nên người làm nghề bao trái xoài gắn bó với nghề và làm việc cẩn thận, dù gặp thời tiết xấu, địa hình khó khăn hay nhiều thử thách khác cũng gắng vượt qua.
Quá trình bao trái xoài, người thợ còn giúp chủ vườn cắt tỉa cành, tuyển trái, loại bỏ những trái không đẹp để tránh cho cây mất chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến những trái khác.
Việc dán bao xoài cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật, người làm nghề bao trái phải chỉnh sao cho mối dán không quá chặt cũng không quá lỏng để trái xoài phát triển và có hình dáng đẹp khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Thành Đô - Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) kiểm tra những trái xoài đã được bao trước đó để chuẩn bị thu hoạch.
Gắn bó lâu năm với việc trồng, chăm sóc xoài, ông Nguyễn Thành Đô - Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Việc bao trái xoài bằng bao giấy được nhập từ Đài Loan nhằm ngăn sâu bệnh, tránh côn trùng xâm nhập và làm hư trái, cách ly trái với những loại thuốc bảo vệ thực vật, giúp trái xoài đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bán được giá. Người dân nơi đây trồng xoài và cây cho trái quanh năm nên những người làm việc chăm sóc cây xoài có thu nhập ổn định. Đến vụ thì bao trái, nếu không thì nhận bón phân, tạo tàng, tỉa cành, phun thuốc cho cây. Đến mùa thu hoạch thì hái trái, đóng gói để xe vận chuyển đến nơi thu mua nên người dân có việc ổn định”.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Chiều 5-12, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang phối hợp Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: