10/11/2023 10:59
KHÔNG ĐỂ ĐẤT TRỐNG
Từ quốc lộ 80, chúng tôi qua đò tại bến đò Kênh 5 vượt kênh Cái Sắn dẫn vào tuyến đường ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp. Dọc tuyến đường là những căn nhà khang trang, trong đó có nhiều căn nhà được xây dựng vào những năm 1990.
Hai bên lề tuyến đường được làm cỏ sạch sẽ, người dân trồng cây kiểng, rau xanh tạo dấu ấn riêng biệt. Có hộ dân tận dụng đất trống quanh nhà trồng mai vàng cho thỏa sở thích mà mới vài năm trước đã bán được 900 triệu đồng cho cây mai vàng vài chục năm tuổi. Nhiều hộ cũng “trúng lớn” khi bán mai vàng, cây kiểng.
“Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế nên đời sống người dân trong ấp từng bước ổn định, hộ khá, giàu ngày càng nhiều. Hiện trong ấp không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu nhập bình quân khoảng 68 triệu đồng/người/năm”, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kênh 5A Nguyễn Công Thái cho biết.
Theo ông Nguyễn Công Thái, trước đây ấp còn 1 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Những năm gần đây, hộ gia đình nghèo có con lớn đến tuổi đi làm đã tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong ấp có người thân định cư, lao động ở nước ngoài hỗ trợ tiền nên các hộ có điều kiện mua thêm ruộng đất sản xuất.
“Nhiều hộ trong ấp không chỉ canh tác đất trên địa bàn ấp mà còn mua, mướn đất ở các vùng lân cận như xã Phi Thông, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), các xã thuộc huyện Hòn Đất để sản xuất lúa. Hiện nhiều hộ dân có thu nhập rất cao. Phần lớn người dân ấp Kênh 5A là gốc người Bắc về định cư ở ấp từ năm 1954 nên vẫn giữ nếp sống chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, tích tiểu thành đại”, ông Thái nói.
Người dân ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau, màu.
Với điều kiện thuận lợi về bờ bao, bơm tát, năm 2023, người dân ấp Kênh 5A trồng lúa 3 vụ/năm với tổng diện tích 592,2ha. Năng suất lúa năm 2023 bình quân 19,5 tấn/ha, tăng 5 tấn/ha so năm 2022 chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm. Một số hộ dân còn nuôi heo tạo thêm thu nhập. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn ấp được hơn 500 con.
Ông Đỗ Văn Luông - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5A cho biết: “Hợp tác xã tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sử dụng sản phẩm sinh học, hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Dẫn chứng rõ nhất thời điểm trước năm 2000 đời sống người dân hợp tác xã còn nhiều khó khăn, hiện nay nhiều hộ vươn lên khá giả, con cháu ăn học thành tài”.
KÊNH 5A KHỞI SẮC
Ngoài làm ruộng, ấp Kênh 5A duy trì và phát triển thương hiệu rượu nếp Kinh 5 khá nổi tiếng. Ban đầu là nấu rượu phục vụ đám tiệc, hiện rượu nếp Kinh 5 được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền năm 2013; được công nhận nghề truyền thống năm 2019.
Hiện ấp có hai sản phẩm rượu nếp Kinh 5 của Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5 và cơ sở rượu truyền thống Xuân An được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Việc sản xuất rượu nếp tạo việc làm cho hàng chục hộ dân và giúp nhiều hộ có kinh tế khá giả.
Chị Đinh Thị Bích Hằng - chủ cơ sở rượu truyền thống Xuân An, ấp Kênh 5 cho biết với mong muốn đưa thương hiệu rượu nếp Kinh 5 đến với nhiều đối tượng khách hàng, cơ sở rượu truyền thống Xuân An sản xuất đa dạng các sản phẩm từ rượu nếp truyền thống đến các dòng sản phẩm mới như rượu Bách Nhật, rượu vang ổi, vang nho, rượu ngâm la hán quả…
Chị Hằng chia sẻ: “Quá trình mở rộng sản xuất của cơ sở gặp nhiều khó khăn về vốn và sản xuất những sản phẩm mới, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến đầu ra khó khăn. Tuy nhiên, cơ sở luôn cố gắng đem đến những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.
Ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp với đường bê tông nông thôn rộng rãi, người dân trồng hoa, cây kiểng dọc tuyến đường tạo mỹ quan.
Chi bộ, ban lãnh đạo, Ban Công tác Mặt trận ấp Kênh 5A đẩy mạnh vận động nhà hảo tâm, người dân đóng góp kinh phí để xây dựng diện mạo ấp, chăm lo đời sống hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Kênh 5A cho biết trong năm 2023, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp gần 170 triệu đồng để sửa chữa, lắp đèn chiếu sáng đường nông thôn, lắp camera an ninh tại ấp; vận động hàng chục phần quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó học tốt trong các dịp lễ, tết.
Ông Đỗ Văn Luông nói: “Trước đây, đèn đường trong ấp không đủ sáng để đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển vào ban đêm. Nhờ ban lãnh đạo, Ban Công tác Mặt trận ấp phát động, hiện nay hệ thống chiếu sáng tuyến đường được nâng cấp, hệ thống camera an ninh được lắp đặt giúp người dân đi lại dễ dàng về đêm và mọi người đều an tâm về an ninh, trật tự”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: