17/05/2021 15:16
TỪ ĐAM MÊ
Tôi ngỡ ngàng trước một chiếc tàu đánh cá mô hình đẹp tỉ mỉ đến từng chi tiết do Nguyễn Văn Đại tự làm. Hai tay vừa mài thân tàu liên tục, Đại vừa chia sẻ: “Em đang gấp rút hoàn thiện 1 chiếc tàu mô hình để kịp giao cho khách khai trương nhà hàng hải sản. Hồi nhỏ, em mê nhìn những chiếc tàu trên biển, trên sông. Nhà gần sông, cứ mỗi lần nghe tiếng máy tàu chạy, em liền chạy ra nhìn cho bằng được. Em ghi nhớ mẫu rồi vẽ ra giấy y hệt tàu thiệt. Lúc đó, em thường lấy lon sữa bò cắt thành những chiếc tàu thả trôi trên mặt nước. Khi đi học, cứ có đề tài vẽ tự do, em vẽ chiếc tàu”.
Nguyễn Văn Đại đang hoàn thiện mô hình tàu điều khiển từ xa tự làm.
Lên lớp 6, Đại bắt đầu nhặt những miếng xốp trôi dạt bờ sông, bờ biển để làm tàu. Tình cờ, thấy một chiếc thuyền buồm làm bằng que đè lưỡi ở nhà một người bạn, Đại bắt đầu thử nghiệm làm tàu bằng những thanh que đè lưỡi, dùng keo để nối que lại với nhau. Chiếc tàu bằng que đè lưỡi dài 60cm đầu tiên ra đời, Đại tặng cho một người quen trưng bày. Chiếc tàu đầu tiên dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn được nhiều người khen đẹp, thích mẫu và được trả tiền trước 2 triệu đồng để đặt làm tiếp 2 chiếc tàu trưng bày.
ĐẾN KHỞI NGHIỆP
Khi sản phẩm tàu mô phỏng đánh cá thật bắt đầu được ghi nhận, Đại có động lực khởi nghiệp từ làm tàu mô hình. Từ tiền khách đưa trước, Đại mua thêm nguyên vật liệu, nghiên cứu nhiều kiểu dáng mới với nhiều vật liệu khác nhau. Không làm bằng trí nhớ nữa, Đại vào xưởng đóng tàu tận mắt xem các thợ làm tàu thật để học hỏi và được một người ở xưởng cho xem tài liệu về kỹ thuật làm một chiếc tàu đánh bắt hải sản.
Sau đó, Đại đổi vật liệu làm tàu bằng form (một vật liệu trong ngành quảng cáo thường sử dụng). Đại bắt đầu đưa các chi tiết vào như bánh lái, ống khói, chân vịt, mỏ neo… Mẫu tàu lúc này được nhiều người chấp nhận, khách đặt làm rồi gởi đi Nam Du (Kiên Hải), TP. Hồ Chí Minh.
Vẫn chưa hài lòng, thanh niên Nguyễn Văn Đại muốn những chiếc tàu tĩnh mô phỏng theo tàu đánh bắt hải sản thật phải di chuyển được trên nước. Từ đó, Đại tìm hiểu trên mạng internet, chế tạo thêm các bộ phận khác để tàu có thể chạy trên mặt nước bằng điều khiển từ xa. Đại mua thêm mô tơ, thiết bị điều khiển để lắp vào. Đặc biệt thích mẫu tàu đánh bắt hải sản của Kiên Giang, thường có chân vịt to nên Đại lấy form cắt thành hình chân vịt gắn vào. Đại năn nỉ nhiều nơi đúc chân vịt tàu, khi đúc dư thì đúc thêm vài cái chân vịt theo mẫu Đại đưa..
Để hoàn thiện sản phẩm, Đại học hỏi thêm từ những người quen về nguyên lý hoạt động của bộ điều khiển, của các thiết bị thu, nhận sóng, điều khiển tốc độ chạy… Thông qua mạng xã hội Facebook, YouTube, sản phẩm của Đại được thêm nhiều người biết đến và đặt hàng. Chàng trai 9X ấy tiếp tục cải tiến chất liệu thân tàu bằng keo composite cho gọn, nhẹ, dễ di chuyển. Vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa đi tìm nguyên vật liệu phù hợp, ròng rã 6 tháng, Đại mới làm xong một chiếc tàu composite đầu tiên, có điều khiển, bán cho một khách hàng ở Vũng Tàu giá 9 triệu đồng. Từ đó, những chiếc tàu sau này đều có khuôn sẵn cho nhiều kích cỡ, nhỏ nhất dài 80cm và lớn nhất dài 3m.
Nguyễn Văn Đại bên chiếc tàu mô hình điều khiển từ xa tự làm
Hiện trung bình 1 tháng Đại hoàn thiện 3 - 4 chiếc tàu, tùy kích cỡ và mẫu mã. Giá bán tàu có điều khiển từ xa dài 1,25m là 8 triệu đồng, chiếc dài 1,45m là 9 triệu đồng. Tàu chỉ để trưng bày, không có điều khiển từ xa giá giảm 3 triệu đồng/chiếc. Khách hàng của Đại chủ yếu là những người đam mê tàu, các gia đình có tàu đánh bắt hải sản, một số người làm nghề liên quan hải sản, nhà hàng… Em Nguyễn Huỳnh Thanh Giang, ngụ số 52 Mạc Thiên Tích, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nói: “Em mê chơi tàu điều khiển từ xa lắm. Em đã mua 1 chiếc tàu dài 1m của anh Đại và thường chơi ở cái ao trên đường Lâm Quang Ky”.
Đến nay, Nguyễn Văn Đại làm khoảng hơn 60 chiếc tàu mô hình, với nhiều kích cỡ và mẫu khác nhau. “Nghề này cần kiên trì vì có nhiều chi tiết đòi hỏi tỉ mỉ. Không chỉ thỏa đam mê, càng khó em càng có cảm giác rất thú vị khi chinh phục được chính bản thân. Hiện tiền vật liệu chiếm khoảng 50% giá bán, em vừa làm vừa nghiên cứu nên chủ yếu lấy công làm lời”, Đại chia sẻ.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Theo khẳng định của Bộ Nội vụ, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, chia sẻ là thông tin không chính xác, do cá nhân công chức dự thảo.
Tổng số lượt truy cập: