23/02/2023 10:13
23 năm trước, chị Chi làm công việc hành chính tại một cơ quan nhà nước, sau một lần đến trung tâm thăm đối tượng bảo trợ xã hội, chị đồng cảm và muốn chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh bất hạnh.
Chị Chi kể: “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cha tôi mất do chiến tranh, còn mẹ tôi mất khi sinh tôi, tôi sống với bà dì và không biết bên nội ở đâu. Lớn lên, tôi lấy chồng, chồng tôi mất khi tôi 22 tuổi. Cuộc đời tôi bất hạnh và thiếu thốn tình thân nên tôi dễ đồng cảm với những mảnh đời ở trung tâm”.
Sau nhiều năm chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, hiện chị Chi là nhân viên chăm sóc người già neo đơn. Vào ca trực, chị Chi và 2 nhân viên có trách nhiệm chăm sóc 39 cụ, trong đó có 15 cụ không thể vận động. Ngày làm việc của chị Chi bắt đầu từ 4 giờ 30 phút, sau khi quan sát, kiểm tra tình hình các cụ, chị Chi làm vệ sinh cho các cụ không thể vận động rồi hỗ trợ các cụ khác ăn sáng, tập thể dục, kiểm tra tình hình sức khỏe...
Theo chị Chi, khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, ai cũng có những câu chuyện đời riêng, thậm chí có trường hợp chịu tổn thương sâu sắc, vì thế chị luôn chăm sóc các đối tượng như người thân.
Chị Nguyễn Kim Chi đút cơm cho một đối tượng được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.
Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm động trước hình ảnh đội ngũ cán bộ, nhân viên quan tâm, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các đối tượng. Được cán bộ, nhân viên chăm lo như người thân trong gia đình, các đối tượng xem nơi đây là nhà mình.
Năm nay 81 tuổi, bà Trương Thị Cúc, quê huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) sống ở trung tâm hơn 20 năm vẫn minh mẫn, lạc quan. Bà Cúc chia sẻ: “Tôi không có con, chồng mất từ lâu. Về quê giờ không còn ai nên tôi xác định ở đây đến cuối đời. Hàng ngày, tôi được ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe, có người bầu bạn. Cán bộ trung tâm, đặc biệt là cháu Chi ân cần, chu đáo, vui vẻ. Với tôi, trung tâm là nhà, cán bộ là con, các cụ cùng phòng là anh, chị, em”.
Không chỉ có các đối tượng bảo trợ mà chị Chi cũng coi trung tâm là mái ấm của mình. “Thiếu tình thương của cha mẹ từ nhỏ nên tôi trân trọng tình thương của các cụ dành cho tôi. Các cụ xem tôi như con ruột, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống cho tôi, tôi xem các cụ như cha mẹ và chăm sóc các cụ bằng tình yêu thương. Các cụ ăn ngon, khỏe mạnh là tôi vui”, chị Chi chia sẻ.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang có 75 cán bộ, viên chức, người lao động, nhưng những người gắn bó hơn 20 năm như chị Chi thì rất ít.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn cho biết: “Chị Chi là một trong số ít nhân viên chăm sóc đối tượng gắn bó lâu dài tại trung tâm. Chị Chi tận tụy trong công việc, tâm huyết với nghề, chăm sóc các đối tượng tận tình, chu đáo. Chúng tôi trân trọng sự cống hiến của chị cũng như những nhân viên tại các khoa chăm sóc đối tượng bảo trợ”.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Với mong muốn người bệnh ở vùng quê được đến bệnh viện điều trị kịp thời, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thành lập tổ xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ nhiều trường hợp ốm đau, giúp người dân được cấp cứu kịp thời.
Tổng số lượt truy cập: