11/07/2023 13:38
Các bậc cao niên trong làng nghề kể, nghề chằm nón lá xuất hiện ở ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp từ rất lâu. Năm 1954, người dân ở làng Phạm Pháo (Nam Định) di cư vào địa bàn ấp Kênh 8B sinh sống. Cùng với sự di cư, người dân đem theo nghề truyền thống chằm nón lá vào vùng đất này. Đến năm 1957 nghề chằm nón lá được hình thành ở ấp Kênh 8B.
Đồng chí Trịnh Đình Đang - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kênh 8B cho biết: “Nghề chằm nón lá được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ ông bà, cha mẹ truyền cho con cháu. Khoảng năm 1958-1980 là thời kỳ hưng thịnh của nghề chằm nón lá tại ấp Kênh 8B. Cả ấp có trên 200 hộ với 500 lao động làm nghề chằm nón lá, hàng không đủ cung ứng cho thị trường. Ngày ấy thu nhập từ nghề chằm nón lá ổn định, người dân chằm nón bán còn mua được vàng để dành”.
Bà Phạm Thị Thang - Tổ trưởng Tổ hợp tác chằm nón lá ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp chuẩn bị vành trước khi chằm nón lá.
Dù có thời hoàng kim nhưng đến nay nghề chằm nón lá ở ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp chỉ còn hoạt động mang tính chất giữ gìn nghề truyền thống. Ấp thành lập được tổ hợp tác chằm nón lá, trước đây có 25 người tham gia, nay còn 10 người và duy trì chằm nón lá thường xuyên. Các hộ làm nghề chằm nón đa số tranh thủ thời gian nông nhàn để tạo thêm thu nhập.
Bà Phạm Thị Thang - Tổ trưởng Tổ hợp tác chằm nón lá ấp Kênh 8B cùng chồng là ông Phạm Văn Thu ngoài 70 tuổi nhưng vẫn giữ gìn nghề chằm nón lá. Hồi còn nhỏ bà Thang giúp bà và mẹ chuẩn bị lá để chằm nón. 12-13 tuổi bà biết chằm nón lá và giữ nghề đến nay.
Với bà Thang, nghề chằm nón không đơn thuần là làm kinh tế mà còn là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kế tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bà Thang sẵn lòng truyền nghề cho các bạn trẻ trong xóm, ấp, con cháu trong nhà với mong muốn giữ gìn nét đẹp của nghề.
Người dân ấp Kênh 8B giữ gìn nghề chằm nón lá truyền thống.
Ở ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp người dân chằm nón lá theo cách thủ công truyền thống, bảo lưu nguyên vẹn các công đoạn mà ông bà xưa để lại như chọn nguyên liệu lá, khung vành tre, kim khâu, len, dây cước...
“Nón lá ở ấp Kênh 8B chủ yếu được làm từ lá mật cật. Người thợ chuốt từng thanh tre mảnh, nhỏ và dẻo dai rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những vành nón. Mỗi chiếc nón có 16 vành, vành nón to nhất có đường kính rộng khoảng 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần và cái nhỏ nhất bằng đồng xu. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp”, bà Phạm Thị Thang cho biết.
Những chiếc lá mật cật phơi khô được mua từ tỉnh Đồng Tháp, người thợ ủi từng chiếc lá cho phẳng rồi lấy kéo cắt chéo đầu, lấy kim xâu chúng lại với nhau từ 24-25 chiếc lá cho một lượt, sau đó xếp đều trên khuôn nón. Người thợ lấy dây cột chặt lá nón trải đều trên khuôn nón rồi bắt đầu khâu nón thành hình chóp.
Nón sau khi thành hình được quét một lớp dầu bóng để tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Ở giữa nan thứ 3 và thứ 4, người thợ dùng chỉ đôi kết đối xứng hai bên để buộc quai. Quai thường được làm từ vải nhung, lụa, the…
Đồng chí Lý Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp thăm hỏi tình hình chằm nón lá của người dân ấp Kênh 8B.
Mỗi chiếc nón lá ở ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp tùy kích thước được bán giá 50.000 đồng, 70.000 đồng và 100.000 đồng/chiếc. Chằm nón lá tạo thu nhập cho người thợ ở ấp Kênh 8B khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/người. Dù vậy, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay nên hiện nhiều người dân, nhất là lớp trẻ chọn đi làm trong xí nghiệp, công ty để kiếm sống nên số người duy trì nghề chằm nón ở ấp Kênh 8B ít dần. Song, những người thợ lành nghề vẫn luôn tự hào và quyết tâm duy trì nghề.
Đồng chí Lý Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Đông A cho biết: “Nghề chằm nón lá ở ấp Kênh 8B được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận nghề truyền thống năm 2019. Xã thành lập tổ hợp tác chằm nón và hỗ trợ kinh phí cho người dân mua nguyên liệu để duy trì nghề. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã động viên, hỗ trợ để những người thợ duy trì nghề theo hướng tạo thu nhập tăng thêm trong lúc nhàn rỗi và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ở địa phương”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: