25/08/2023 11:09
Ở vùng quê Nam bộ thuở trước người dân thường gom góp phần nhánh cây hoặc các tàu dừa rụng, chặt thành từng đoạn, đem phơi khô để dành chụm lửa. Củi phơi khô chất thành đống dễ bị ẩm ướt nên người dân thường dùng các thanh gỗ dài hoặc cây tràm, cây tre già làm trụ hai đầu để cố định củi để dễ xếp lên không bị đổ. Cự củi ngoài sân thường cao hơn 1,5m, còn làm cự củi trong chái bếp thì tùy bếp thấp hay cao mà làm cự củi có độ cao và rộng phù hợp.
Tôi nhớ như in hình ảnh nội tôi ngày ngày nhặt nhạnh, chắt chiu từng nhánh cây, bó lá dừa khô để dành. Quê nội tôi ngày ấy cây cối um tùm, quanh năm mát mẻ, bình thường chỉ ra vườn nhặt những nhánh củi khô cũng đủ củi nấu cơm. Mỗi đợt dọn vườn, đốn cây phát quang để trồng cây ăn trái hoặc lấy gỗ đóng đồ dùng trong nhà, phần nhánh cây không dùng đến đem chất ra sân chờ rụng hết lá rồi chặt để xếp lên cự là xong.
Có nhiều loại củi như bình bát, trâm bầu, tàu dừa, lá dừa, vỏ dừa, sang hơn một chút thì có cây mắm, cây đước… Mỗi loại cây có khả năng bắt lửa khác nhau, cây bắt nhanh thì mau tàn và cháy hết sẽ thành tro, cây bắt lửa chậm lại cháy đượm và lâu, khi tắt lửa rồi chuyển thành than vẫn có thể dùng để nướng khô, nướng cá, nướng thịt hoặc nấu nước châm trà.
Những cự củi trong sân của ngôi nhà ở miền quê.
Để có cự củi gọn gàng, đẹp mắt, đủ các loại củi là cả quá trình vất vả của ông bà, cha mẹ tôi ngày ấy. Nhà nội tôi có khoảng sân rộng, mỗi buổi chiều trời trong, gió mát, mẹ tôi pha bình trà nóng đem ra để sẵn trên bàn ở sân để cả nhà cùng xúm xít ra sân chẻ củi, xếp củi.
Cha tôi cùng ông nội cưa mấy khúc cây to, chẻ những khúc cây đó ra thành từng miếng nhỏ gọn để dễ chụm trong bếp cà ràng. Mẹ tôi ngồi một bên chặt củi dừa, những tàu dừa già được lôi xuống hoặc tự rụng chất đầy trong sân. Mẹ róc hết lá dừa, gom lại thành từng bó lớn chất vào gác bếp, phần tàu dừa chặt thành từng đoạn ngắn. Bà nội xếp tàu dừa thành từng lớp chéo nhau để các thanh củi có khoảng hở phơi nhanh khô, lớp củi nào khô hẳn nội mới xếp lên cự.
Người dân miền quê là vậy, nhất là người lớn, dù gia đình nghèo hay khá giả vẫn giữ gìn nếp sống khi no biết để dành lúc đói, khi trời nắng vẫn phải biết lo đến lúc mưa dầm, đạo lý đó ông bà, cha mẹ vẫn nhắc chúng tôi. Bất kỳ vật dụng nào cũng được tận dụng và sử dụng đúng mức, không hoang phí, củi cũng vậy, mặc dù có nhiều nhưng nếu không trữ sẵn củi khô, tháng mưa dầm nhiều sẽ không có củi để nhóm lửa nấu cơm.
Người phụ nữ đang xếp củi để phơi khô trước khi xếp lên cự.
Trong chái bếp của nhà quê, cự củi biểu hiện cho sự lo xa ấy. Cái cự củi không bao giờ vơi, xài một hai ngày là lại đi tìm thêm để bổ sung cho cự củi luôn đầy ắp. Cự củi biểu hiện cho tính chăm chỉ, cần mẫn của những người ở quê, nhất là phụ nữ. Nhìn vào cách chất cự củi cũng biết tính cách của người làm nên nó. Những cái cự củi ngay ngắn, củi loại nào chất theo loại ấy là biểu hiện cho tính khéo léo, tỉ mỉ của chủ nhà.
Những cự củi để ngoài sân còn được chuẩn bị sẵn những tấm cao su phòng khi mưa đột ngột. Mỗi khi trời vừa có đám mây đen thì việc đầu tiên nội tôi gọi mấy đứa cháu nội làm là gom củi, đậy củi lại. Những lúc đó chúng tôi đang chơi tống lon ngoài sân liền chạy lại giúp nội.
Chiếc cự củi dài bên hiên nhà nội là nơi cho chúng tôi bao kỷ niệm. Mỗi buổi tan trường, khi trời trong xanh, mát mẻ chúng tôi lại ra đó chơi trò trốn tìm. Thằng Tư hay chọc ghẹo em nhỏ, bé Út 3 tuổi rượt theo thằng Tư chạy vòng quanh cự củi, nhìn vừa đáng yêu vừa mắc cười. Tiếng cười giòn giã của chúng tôi vang vọng một góc sân.
Nhờ có chiếc cự củi, mỗi khi nấu cơm chiều, mẹ tôi có thể dễ rút ra những cây củi cần xài, cơm canh nóng hổi cũng được nấu xong nhanh chóng. Cả nhà ngồi dưới tán cây vú sữa trước nhà, quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm đầm ấm, chan hòa. Mỗi khi nhà có đám tiệc, chiếc cự củi càng quan trọng, số củi được đem về càng nhiều để đủ dùng nấu các món ăn với số lượng nhiều.
Những ngày giáp tết, gia đình tôi tranh thủ tìm một số củi chắc cây để dành nấu bánh. Chiều cuối năm, nội và mẹ tôi tranh thủ gói xong thúng bánh tét, ông nội và cha bắc nước nấu bánh ngoài sân, chúng tôi chạy ra cự củi ôm mấy cây củi chắc cho nội nấu bánh.
Bên nồi bánh tỏa hương nếp thơm lừng, cha tôi sắp thêm một mớ củi bên cạnh để nướng bánh phồng, mẹ tôi đem cái cà ràng ra đây sên mứt dừa. Trên manh chiếu mỏng dưới sân đất trước nhà, chúng tôi gối đầu lên chân nội, nội vừa xoa đầu vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Tôi nhìn lên bầu trời không trăng không sao của đêm giao thừa, hơi sương cũng dần se lạnh nhưng đã có ngọn lửa hồng vẫn cháy đượm, cùng tình yêu thương của ông bà, cha mẹ đã sưởi ấm cả một khung trời tuổi thơ của tôi, không dễ phai nhòa trong ký ức.
Bài và ảnh: NHÃ UYÊN
(KGO) - Chim bói cá còn có tên gọi khác là bồng chanh. Hiện có khoảng 90 loài trên khắp thế giới. Riêng nước ta phát hiện trên 10 loài bói cá; trong đó, có chim bói cá tai xanh (bồng chanh tai xanh), chim bói cá đỏ (bồng chanh đỏ) nằm trong sách đỏ, hiện số lượng giảm đáng kể.
Tổng số lượt truy cập: