29/07/2022 14:09
Sáng 29-7, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn 8 nội dung đối với 3 giám đốc sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Có 7 đại biểu tham gia chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Thái Thị Duy Ngân - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang đề cập đến việc từ tháng 7-2021, tỉnh đã tích cực ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngân, đến nay, kết quả chi hỗ trợ chỉ đạt 72% so kế hoạch.
“Với vai trò là người đứng đầu cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện chế độ trợ giúp xã hội, xin ông cho biết nguyên nhân vì sao và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành việc chi trả chế độ hỗ trợ này, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng?”, đại biểu Ngân chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang.
Đồng chí Đặng Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang trả lời chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, sáng 29-7.
Trả lời chất vấn, đồng chí Đặng Hồng Sơn cho biết đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sau khi có các nghị quyết của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện. Sở được phân công phân bổ các nguồn lực.
Kết quả chi hỗ trợ chỉ đạt 72% so kế hoạch, do con số biến động liên tục trong việc triển khai chi trả hỗ trợ cho các đối tượng. Qua kiểm toán, Kiên Giang đã chi trả kịp thời, đúng quy định. Mặc dù vậy vẫn có trường hợp trùng lấp. “Tính đến nay, toàn tỉnh đã chi trả hỗ trợ 498.087 đối tượng, với số tiền 718 tỷ đồng, đạt 90,25%. Số còn lại, sở sẽ hướng dẫn các huyện thành, phố trên cơ sở thông tin sẽ tiếp tục giải ngân và có lộ trình để xóa sổ, kịp thời báo cáo Trung ương”, đồng chí Đặng Hồng Sơn thông tin.
Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Thiện Mỹ - Trưởng Ban Kinh tế Hội Cựu Chiến binh tỉnh Kiên Giang về giải pháp quản lý người lao động đi làm ăn xa quay về tỉnh, đồng chí Đặng Hồng Sơn cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, trên 100.000 lao động trở về Kiên Giang. Đây là việc dịch chuyển không có tiền lệ. Trước tình hình này, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời hỗ trợ 500.000 đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ trên 700 tỷ đồng và nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở website tổng hợp được 63.000 người, trong tổng số 45.000 lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Số lao động có nhu cầu xin việc 8.600 lao động. Đầu năm 2022, qua thống kê có 54.000 lao động đã quy về các địa phương khác để tiếp tục lao động, đạt 98%.
Về giải pháp, đồng chí Đặng Hồng Sơn cho biết, tỉnh đã mở website hỗ trợ việc làm. Đồng thời vận hành cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, với 7 nội dung hỗ trợ, doanh nghiệp vào tìm hiểu. “Tới đây, sở sẽ nắm tốt hơn về tình hình lao động trong và ngoài tỉnh, người có nhu cầu tìm việc làm để có giải pháp hỗ trợ lao động được tốt hơn”, đồng chí Sơn cho biết.
QUỐC TRINH - TÂY HỒ
(KGO) - Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang định kỳ tháng 12-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo và nhắc nhở các sở, ngành, địa phương không được tự mãn mà phải tiếp tục xem công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục.
Tổng số lượt truy cập: