13/02/2023 13:31
Trên địa bàn TP. Rạch Giá hiện có 4 chợ, 1 trung tâm thương mại do Nhà nước đầu tư, quản lý, nhưng cũng có nhiều điểm mua bán tự phát trên các tuyến đường, khu dân cư.
Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại các khu vực chợ, điểm mua bán diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. UBND TP. Rạch Giá thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức thực hiện cao điểm lập lại trật tự đô thị và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chuyên đề nhưng vẫn chưa khắc phục được.
Buôn bán giữa lòng đường Điện Biên Phủ, phường Vĩnh Quang,TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh chụp ngày 6-2-2023.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn, cho biết thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng bố trí chốt trực tại ngã ba đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Quang để xử lý trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông vào giờ hành chính.
“Các khu vực, tuyến đường thuộc phường Rạch Sỏi; khu vực chợ Tắc Ráng, phường An Hòa; các đường xung quanh chợ Bắc Sơn, phường Vĩnh Lạc, hàng ngày, các lực lượng chức năng của thành phố và các phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tình trạng vi phạm”, đồng chí Nguyễn Văn Hôn nói.
Năm 2022, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử lý 3.494 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè và đậu, đỗ xe không đúng quy định. Trong cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lực lượng chức năng thành phố kiểm tra, xử lý 2.480 trường hợp, trong đó xử phạt hành chính 18 trường hợp, tạm giữ 452 tang vật, phương tiện vi phạm như dù, bàn, ghế, xe đẩy, bảng hiệu, kệ sắt, loa...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hôn, hiện một bộ phận người lao động ở các khu công nghiệp các tỉnh, thành phố bị mất việc làm, lao động từ nơi khác đến TP. Rạch Giá tham gia mua bán hàng rong, xe đẩy, xe kéo tăng nhiều so với những năm trước, đo đó địa phương chưa có mặt bằng phù hợp để bố trí cho những trường hợp này buôn bán đúng theo quy định.
Các khu vực chợ nông sản, chợ Bắc Sơn 2, chợ Hồng Trung... các lô sạp bên trong còn nhiều nhưng người dân không chịu vào chợ buôn bán. Họ đưa ra nhiều lý do như vào chợ bán không được hàng, phải đóng phí, thuế. Hiện, quy hoạch ngành hàng tại những chợ này không còn phù hợp với tình hình mua bán hiện nay nhưng chưa kịp thời chuyển đổi...
“Lực lượng kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực trật tự đô thị còn mỏng, ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành pháp luật, quy định của địa phương chưa tốt, còn mua, bán ở những nơi không đúng quy định, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông”, đồng chí Nguyễn Văn Hôn giải thích.
Đồng chí Nguyễn Văn Hôn cho biết: “UBND thành phố sẽ bố trí người bán hàng rong, xe đẩy, xe kéo vào khu vực chợ đêm tạm. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa và sắp xếp người dân buôn bán tại Trung tâm thương mại Rạch Giá, trên đường Điện Biên Phủ nối dài đến chợ nông sản; cải tạo, sửa chữa và mở rộng khu vực chợ Tắc Ráng, phường An Hòa”.
Ngoài ra, UBND TP. Rạch Giá phối hợp cùng chủ đầu tư chợ Hồng Trung chỉnh trang bố trí lại các gian hàng phù hợp, tạo lối đi thông thoáng cho người bán lẫn người mua.
Đối với khu vực dốc cầu Rạch Sỏi, UBND TP.Rạch Giá đề xuất quy hoạch công viên hành lang cầu Rạch Sỏi thuộc phường Rạch Sỏi và Vĩnh Lợi.
Ngày 17-1-2023, thành phố đã gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến về việc xây dựng công trình công viên hành lang cầu Rạch Sỏi thuộc phường Rạch Sỏi, Vĩnh Lợi và được chấp thuận.
“Công trình hoàn thành sẽ giúp thành phố sớm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại vòng xoay đường Mai Thị Hồng Hạnh - Cách Mạng Tháng Tám, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán tại dốc cầu Rạch Sỏi”, đồng chí Nguyễn Văn Hôn nói.
Bài và ảnh: THANH DƯ
(KGO) - Ngày 8-11, Hội Luật gia tỉnh Kiên Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Giang Văn Phục cùng 138 đại biểu đại diện hơn 1.400 hội viên dự đại hội.
Tổng số lượt truy cập: