25/07/2024 08:56
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thăm hỏi ông Sơn Ngọc Miên, thương binh 2/4, ngụ ấp Minh Cường, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: THỦY TIÊN
77 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng; xây mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với hơn 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Tại Kiên Giang, hiện có 9.309 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, với tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 180 tỷ đồng. Các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được duy trì thường xuyên như đóng góp quỹ, xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tổ chức thường xuyên. Hiện 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh được các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời.
Giai đoạn 2020-2023, Kiên Giang đã hỗ trợ nhà tình nghĩa cho 1.500 hộ người có công với cách mạng. Riêng năm 2023, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ nhà ở người có công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, chính quyền các địa phương đã triển khai và bàn giao 592 căn nhà, đạt 100% kế hoạch...
Đặc biệt trong tháng 7 này, cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa như khởi công, khánh thành các công trình tri ân; dọn dẹp vệ sinh, thay mới các chậu hoa ở các nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; thắp nến tri ân tại các mộ liệt sĩ… Từ những hoạt động đầy ý nghĩa này một mặt tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc; mặc khác tôn vinh, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Trên cơ sở đó, nhận thức rõ việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân, của thế hệ hôm nay và mai sau.
Năm nay, kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trải qua nỗi đau thương, mất mát lớn - đó là sự ra đi vĩnh viễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, đã có những đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động cụ thể, trước tiên là trong việc thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Chúng ta hãy tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng. Ðồng thời định hướng, phương châm hành động để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hơn nữa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiết thực tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, góp phần nhằm tiếp nối truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người dân Việt Nam.
VIỆT TIẾN
(KGO) - Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, ngày 23-8, tại hội trường Tỉnh ủy Kiên Giang (TP. Rạch Giá), Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hoàn thành chương trình, nội dung, bế mạc và thành công tốt đẹp.
Tổng số lượt truy cập: