11/07/2022 16:10
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, từ ngày 11-7 đến 13-7, khu vực Kiên Giang có mưa to và dông mạnh, biển động.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ sáng, ngày 11-7, vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 14,5-15,5 độ vĩ bắc; 110,5-111,5 độ kinh đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ nối với vùng áp thấp nên ngày và đêm 11-7, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và khu vực nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; riêng vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh. Vùng biển phía tây của khu vực giữa Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Từ ngày 11-7 đến 12-7, khu vực Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ, có nơi mưa trên 100mm/24 giờ. Từ ngày 13-7, gió trên các vùng biển có xu hướng hoạt động yếu dần và mưa tại khu vực Nam Bộ có xu hướng giảm dần.
Công nhân cắt tỉa cây xanh để hạn chế cây ngã đỗ trong mùa mưa tại đường Lê Quý Đôn, TP. Rạch Giá (Kiên Giang)
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ngày 11-7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang có công văn số 30/BCH-VPTT. Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và vận động người dân thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng vật nuôi thủy sản;
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh; chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.
Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật về diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; bố trí thời lượng phát sóng, truyền tin phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thông tin các ngành, các địa phương và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo phòng tránh, ứng phó kịp thời…
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Tổng số lượt truy cập: