19/07/2022 10:06
Cách đây hơn một tháng, ngày 7-6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP. Phú Quốc (gọi tắt là tổ công tác), do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng. Thành viên của tổ công tác cơ cấu gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan. Điều này cho thấy chính quyền Kiên Giang nhận định tình hình là nghiêm trọng và đang cố gắng lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý và bảo vệ rừng. Bởi với thành phố biển, đảo Phú Quốc - địa chỉ đang rất nổi tiếng trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hoạt động của tổ công tác nhằm lập lại kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tổ công tác sẽ thu hồi diện tích đất rừng đã bị lấn chiếm, bàn giao cho chủ thể quản lý và trồng lại rừng, phục hồi hiện trạng rừng đã bị chặt phá. Sau thời gian ra quân, cơ quan chức năng đã tiêu hủy tại chỗ hàng chục ngàn cây trồng các loại, hàng ngàn mét hàng rào kẽm gai, trên 500 trụ xi măng, trụ gỗ, hàng trăm trụ điện ống kẽm tròn, hàng chục nhà tạm… Thu hồi hơn 65ha đất quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm và 7,4ha đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm… Đây chỉ là kết quả bước đầu của tổ công tác, bởi diện tích đất rừng bị lấn, chiếm tại Phú Quốc vẫn còn nhiều.
Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, vườn đã phát hiện, ngăn chặn lập biên bản ban đầu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý 269 vụ vi phạm; trong đó, chuyển Hạt Kiểm lâm TP. Phú Quốc 194 vụ, đã xử lý 155vụ, có 5 vụ khởi tố vụ án hình sự, 150 vụ xử lý hành chính. Chính quyền các xã, phường thụ lý 75 vụ, đã xử lý 5 vụ, tồn 70 vụ. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 357 triệu đồng, các đương sự đã nộp phạt 81 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm TP. Phú Quốc, hiện có nhiều nơi xảy ra lấn, chiếm và phá rừng. Tại xã Gành Dầu khu vực tiểu khu 75 thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng, có tình trạng mua, bán sau đó cất nhà trên diện tích này và tiếp tục lấn, chiếm tiếp vào rừng đặc dụng. Tại tiểu khu 59, 61 thuộc ấp Gành Dầu, ấp Chuồng Vích giáp Vinpearl Safari Phú Quốc có tình trạng phát dọn dây leo, cây bụi, phá rừng và khai thác rừng. Có 84 điểm tại khu trường học thuộc ấp Chuồng Vích và khu Múi Đá Trai thuộc ấp Gành Dầu và ấp Rạch Vẹm xảy ra tình trạng chiếm đất, cất nhà, trồng cây, phá cây rừng tự nhiên.
Tại phường Dương Đông, khu vực núi Ông Phụng, tiểu khu 76 thuộc khu phố 10 xảy ra việc chặt phá cây rừng và phát dọn cây bụi và trồng cây; một số vụ không xác định được đối tượng vi phạm. Tại núi Điện Tiên tiểu khu 76, khu phố 7, phường Dương Đông xảy ra tình trạng phá rừng với hình thức khoan lỗ và đổ thuốc vào lỗ khoan làm cây rừng bị chết. Tại xã Bãi Thơm, khu vực tiểu khu 69, ấp Bãi Thơm (cầu số 32); tiểu khu 70, ấp Đá Chồng (cầu số 30) có hình thức phát dây leo, cây rừng tự nhiên nhỏ, sạ tràm bông vàng và cây trồng lâu năm để chiếm rừng. Tại xã Hàm Ninh, phường An Thới, xã Cửa Cạn, xã Cửa Dương, xã Dương Tơ cũng có tình trạng lấn rừng, chiếm đất rừng.
Một cánh rừng ở nam đảo Phú Quốc bị chặt phá, hiện trường còn trơ lại những gốc cây
Theo nhận định của các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng tại TP. Phú Quốc, tình hình phá, lấn, chiếm rừng và đất rừng xảy ra ngày càng phức tạp, diện tích lớn. Đối tượng không kể thời gian, canh đường, theo dõi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nên khó phát hiện vi phạm quả tang. Những vụ vi phạm khi phát hiện đa số là người từ các tỉnh khác đến làm thuê, không có chỗ ở ổn định, nên quá trình củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm còn chậm, một số vụ không xử lý được, dẫn đến kéo dài, gây khó trong điều tra, truy tìm đối tượng. Còn tình trạng chính quyền cơ sở chưa kiên quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ lấn, chiếm đất rừng, nên ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ rừng và xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, TP. Phú Quốc đã và đang phát triển rất tốt tiềm năng, thế mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đảo ngọc đón gần 2,4 triệu lượt khách du lịch, tăng đến hơn 50% so cùng kỳ năm 2021, chiếm hơn 1/2 lượng du khách đến với Kiên Giang, doanh thu ước đạt 2.840 tỷ đồng. Trong năm nay, Kiên Giang đặt mục tiêu thu ngân sách 11.048 tỷ đồng, trong đó TP. Phú Quốc phấn đấu thu 5.400 tỷ đồng, tức chiếm gần 1/2 tổng thu của tỉnh và bằng 14 huyện, thành phố khác trong tỉnh cộng lại. TP. Phú Quốc ngày càng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của Kiên Giang.
Phú Quốc đang phát triển nhanh, tuy nhiên địa phương này chưa đạt được yếu tố bền vững khi đang đối diện với nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có tình trạng lấn, chiếm đất rừng, phá rừng trái pháp luật. Vì vậy, để hạ nhiệt nạn lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn TP. Phú Quốc cần phải mạnh tay hơn nữa. Theo đó, tổ công tác cần nhanh chóng, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, xử lý đến đâu giao lại cho địa phương quản lý đến đó và quy trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.
Chính quyền TP. Phú Quốc cần tăng cường các biện pháp quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp, vụ việc vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kêu gọi sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, có hình thức khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những người tố giác các hành vi xâm phạm đến rừng…
Đối với chính quyền cấp tỉnh, cần quy định và xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, bảo vệ rừng; xử lý kỷ luật người đứng đầu chính quyền địa phương cấp thành phố, cấp xã, phường nếu để xảy ra điểm nóng về tình trạng lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn.
ĐỨC BÌNH
(KGO) - Sáng 12-12, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống (22/12/1944 - 22/12/2024) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng số lượt truy cập: