09/07/2021 14:32
► Thành tựu xây dựng huyện nông thôn mới của Giồng Riềng - Bài 1: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới |
ĐI SAU VỀ TRƯỚC
Cuối năm 2020, Đảng ủy xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn tại ấp Hòa B, nhiều hộ dân hiến đất, có nhà cắt hẳn một phần đất, di dời hàng rào, công trình để hưởng ứng. Ông Lê Văn Châu, ngụ ấp Hòa B tự dời hàng rào bê tông để nhường đất cho công trình mở rộng đường thêm 1,7 mét. Ông vận động gia đình con gái hiến 10 mét đất để xây dựng cầu bê tông bắc qua kênh xáng Ô Môn.
Ông Châu nói: “Gia đình tôi và bà con hưởng ứng nhiệt tình chủ trương mở rộng đường, làm cầu cho người dân đi lại. Hôm máy cuốc ở đầu kênh dọn mặt bằng thi công, ở đây tôi dời hàng rào rồi. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tôi ủng hộ hết mình”.
Dù không nằm trong 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Giồng Riềng nhưng xã Hòa Lợi lại cán đích trước vào năm 2016. Đồng chí Đỗ Đông Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Lợi cho biết: “Nhờ nhân dân vào cuộc quyết liệt nên xã vẫn duy trì tốt phong trào xây dựng nông thôn mới từ đó đến nay. Để về đích nông thôn mới trước lộ trình dự kiến của huyện, Ủy ban nhân dân xã có kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ xã về xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân xã chia ra việc nào Nhà nước làm, việc nào do dân thực hiện, việc nào Nhà nước và nhân dân cùng làm để chỉ đạo thực hiện phù hợp”.
Người dân xã Hòa Lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giải phóng sức lao động con người, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Đầu năm 2021, cầu giao thông dài 15 mét tại ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Lợi được khởi công xây dựng. Ngân sách có hạn, người dân trong ấp đồng lòng đề xuất xã góp tiền ủng hộ xây cầu theo định mức 1 công đất góp 100.000 đồng. Chưa được mấy ngày, người dân đóng góp 40 triệu đồng làm kinh phí xây dựng cầu và đó chỉ là một trong những công trình được người dân hiến kế cách làm và được triển khai thực hiện những năm qua ở xã Hòa Lợi.
Năm 2020, tổng vốn huy động đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã hơn 8,6 tỷ đồng, trong đó đầu tư 6 tuyến đường ngõ, xóm bằng bê tông dài 5.507 mét, mở rộng tuyến đường phụ 3.650 mét; vận động nhà hảo tâm và nhân dân bắc 10 cây cầu giao thông nông thôn.
Thực tế cho thấy, xã Hòa Lợi huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hệ thống đường giao thông nông thôn nói riêng. Hạ tầng giao thông địa bàn phát triển, địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã từ 58,3 triệu đồng năm 2019 đến năm 2020 tăng lên 60 triệu đồng/năm. Năm 2019, xã có 42 hộ nghèo, chiếm 1,49%, đến năm 2020 giảm còn 29 hộ nghèo, chiếm 1,12%.
HƯỚNG VỀ CỘNG ĐỒNG
Trưa ngày đầu tháng 4-2021, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ tại chợ Đường Xuồng, xã Long Thạnh (Giồng Riềng), ông Huỳnh Văn Sáu giở quyển sổ ghi chép thông tin về số tiền xây dựng cầu, đường 27 năm qua ông đóng góp. Ở tuổi 84, sức khỏe ông Sáu giảm nhiều nhưng vẫn minh mẫn. Là chủ đại lý phân bón nhỏ ở xã, năm 1994, ông Sáu bắt đầu làm từ thiện. Một lần chứng kiến cảnh gia đình trong ấp với bầy con nheo nhóc bên mâm cơm chỉ có cháo loãng, vợ chồng ông Sáu quyết định xay 60 suất gạo cho người dân nơi đó. Từ đó, số lượng gạo ông tặng cho người nghèo ngày càng tăng, lên đến vài trăm rồi 2-3 tấn/năm với sự tiếp sức của nhiều cá nhân chung tấm lòng thiện nguyện.
Ông Huỳnh Văn Sáu bên quyển sổ ghi chép số liệu về những lần ông và nhà hảo tâm giúp xây nhà, tặng gạo cho người nghèo.
Ngoài cho gạo, từ năm 2002 đến nay, ông Sáu còn ủng hộ các ấp trong xã xây dựng 5 tuyến đường bê tông với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Thay vì tích lũy làm giàu, hàng quý, ông Sáu gửi 750.000 đồng ủng hộ bếp ăn từ thiện Trung tâm Y tế huyện. Trường Tiểu học Long Thạnh khang trang như hôm nay có một phần đóng góp của ông Sáu - người bỏ tiền mua 1.000m2 đất để hiến tặng trường.
Nhiều người gọi ông Sáu là ông tiên của người nghèo bởi mỗi khi trong xóm có người nghèo bị bệnh hay nhà xiêu vẹo, trong khả năng và uy tín của mình, ông Sáu ngoài cho tiền còn kêu gọi nhiều người hỗ trợ xây nhà, chi phí điều trị bệnh. Chị Ngô Xuân Phương, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh cho biết: “Chồng mất, tôi bán vé số nuôi con lớn bị tâm thần từ nhỏ và một người con đang học lớp 5. Được bác Sáu cho tiền điều trị bệnh và xây nhà, tôi mang ơn bác nhiều lắm. Bác Sáu cho tôi động lực để cố gắng lao động thoát nghèo”.
Câu chuyện về những con đường, căn nhà, suất gạo nghĩa tình cho người nghèo được ông Sáu giúp đỡ bằng cái tâm làm chúng tôi cảm phục. Và không chỉ có mỗi ông tiên Sáu mà còn nhiều ông tiên khác… Chúng tôi nghiệm ra một điều rằng sự tử tế, lòng nhân ái vẫn luôn là tài sản quý giá, là sức mạnh trong cộng đồng.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: