12/12/2022 13:28
Những sản phẩm cây nhà lá vườn, thủ công chưa nhiều người biết như chả cá thác lác, rượu nho rừng hay món mắm đồng gắn bó từ bao đời nay với vùng đồng bưng, ruộng rẫy, đến nay bước vào cuộc chơi chuẩn OCOP, để từ đó đưa tên tuổi vươn xa.
Nước mắm đồng là nghề gia truyền của gia đình anh Trần Ngọc Vương, ngụ ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng. Đến anh Vương, quy trình làm ra sản phẩm được chuyên nghiệp hóa hơn, để rồi từ sản phẩm nước mắm gia truyền nay khẳng định với tên tuổi nước mắm Hương Đồng.
Khu vực sản xuất nước mắm của gia đình anh Trần Ngọc Vương sạch sẽ, lu, thùng ủ cá được kê cao ráo, đều tăm tắp. Nguyên liệu chủ yếu là cá đồng tự nhiên được ủ với muối biển, sau 18 tháng sẽ cho ra nước mắm. Cá thường được thu mua vào mùa nước nổi, bình quân 5 tấn/mùa.
Anh Vương thừa hưởng và phát triển nghề làm nước mắm từ cha mình, người có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề này. Theo anh Vương, ngon nhất là nước mắm cá linh, ngoài ra anh còn làm ra các loại nước mắm đồng từ cá cơm, cá lòng tong, cá sặc...
Để có nước mắm đồng nhĩ, anh Vương không nấu như nhiều nơi vẫn làm mà để nước cá chảy dần ra ngoài qua một ống dẫn có van khóa dưới đáy lu. Sau đó, loại nước này được đổ trở lại vào lu ủ nhiều lần cho đến khi thu được nước mắm thành phẩm. Trước khi sử dụng, nước mắm nhĩ sẽ được phơi qua vài nắng để nước mắm có độ trong, từ đó nước mắm có màu vàng cánh gián sậm và trong hơn so với nước mắm nấu, hương vị thơm ngon và đậm đà hơn.
Với quan điểm sản phẩm phải “chất” nên nước mắm Hương Đồng sản xuất chỉ có 2 thành phần cá đồng tươi và muối biển, không pha màu, không sử dụng chất bảo quản. Hiện cơ sở của anh Vương sản xuất hơn 600 lít/năm. Với chất lượng ổn định, thương hiệu nước mắm Hương Đồng được người tiêu dùng đón nhận.
Ngoài lượng khách hàng ổn định là người dân địa phương, nước mắm Hương Đồng còn có mặt tại một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh, kể cả TP. Hồ Chí Minh. Cuối năm 2021, nước mắm Hương Đồng được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
NỨC TIẾNG ĐẶC SẢN VÙNG BIÊN
Để có những mẻ khô trâu, khô bò mới ngửi đã thèm, vợ chồng anh Nghiêm Văn Phúc - chủ cơ sở khô trâu, khô bò Ba Phúc tại ngã ba Chợ Đình, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành phải dậy từ 1 giờ sáng để xẻ thịt. Thịt được thái mỏng bằng dao rất bén để lát thịt còn nguyên vẹn.
Theo kinh nghiệm của anh Phúc, để chế biến được khô trâu, khô bò thơm, ngon, người làm phải chọn mua được thịt tươi vì nếu thịt đông lạnh, sau khi làm khô sẽ bị mốc, không ngon.
Thịt chọn làm khô phải là thịt đùi, bỏ hết gân, mỡ, cắt thành lát lớn, dày, tiếp đến là khử tanh thịt bằng gừng. Sau đó, đem thịt ướp nước mắm, ớt, tiêu, đường đã bằm nhuyễn hoặc giã nát. Bình quân 3kg thịt tươi có thể làm được 1kg khô trâu, khô bò. Khô này có thể bảo quản trong tủ lạnh để ăn trong nhiều tháng.
Anh Nghiêm Văn Phúc - chủ cơ sở khô trâu, khô bò Ba Phúc tại ngã ba Chợ Đình, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) bên sản phẩm khô trâu.
Giang Thành là huyện biên giới. Người dân nơi đây ngoài canh tác lúa còn có nghề nuôi trâu, bò bán thịt. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào để anh Phúc chế biến loại khô đặc sản miền biên viễn.
Những năm gần đây, khô trâu, khô bò Ba Phúc được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Mặc dù giá nhiều loại hàng hóa tăng nhưng anh Phúc vẫn giữ giá bán khô từ 800.000-900.000 đồng/kg. Anh Phúc nói: “Mình bán giá này nào giờ để cho dân quê mình ăn, bà con mình ăn, thà lời ít mà ai cũng dễ mua được”.
Tiếng lành đồn xa, khách hàng biết đến món khô của gia đình anh Phúc ngày càng nhiều nên từ chỗ chuyên làm khô phục vụ tết nay anh chuyển hướng sang làm khô trâu, khô bò để cung ứng ra thị trường quanh năm.
Anh Phúc cho biết: “Sản phẩm khô trâu, khô bò của cơ sở vừa được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mong rằng đây là bước ngoặt để sản phẩm khô trâu, khô bò Ba Phúc vươn xa hơn”.
RƯỢU NẾP QUÊ ĐẠT CHUẨN OCOP
Về huyện Tân Hiệp, hỏi thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên rượu truyền thống Xuân An, ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A ai cũng biết bởi đây là công ty sản xuất rượu giữ được truyền thống và đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm hiện đại cần có, tạo uy tín với khách hàng.
Chị Đinh Thị Bích Hằng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên rượu truyền thống Xuân An nói: “Đây là nghề truyền thống từ ba đời nay của gia đình. Xưa các cụ nhà tôi đơn thuần là nấu thủ công với nồi hông xôi, nồi chưng cất rượu nhỏ, công suất thấp trên bếp than, củi, chủ yếu bán nhỏ lẻ trong xóm”.
Từ khi tiếp quản cơ sở của gia đình, chị Hằng nhận thấy để có được chỗ đứng trên thị trường, nhất là trong giai đoạn hiện nay có nhiều thương hiệu rượu, chị tìm tòi, học hỏi, cải tiến kỹ thuật, đồng thời đầu tư thêm máy móc hiện đại để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sử dụng men rượu chất lượng, rượu sau khi chưng cất được lọc qua máy khử aldehyde nên không gây đau đầu cho người sử dụng.
Ngoài rượu nếp trắng, công ty còn sản xuất một số loại rượu ngâm trái cây có dược tính giúp bồi bổ sức khỏe như rượu chuối hột rừng, rượu la hán quả, bách nhật, rượu vang nho, vang ổi, với giá dao động từ 75.000-175.000 đồng/chai, rất tiện để du khách mua làm quà. Tất cả sản phẩm này được Sở Y tế tỉnh Kiên Giang kiểm định chứng nhận chất lượng.
Chị Hằng cho biết: “Công ty có 2 sản phẩm rượu nếp trắng và rượu vang ổi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh nên rất được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện hướng dẫn về mặt thủ tục pháp lý đến giám sát quản lý về mặt sản xuất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn đúng theo quy định. Từ khi đạt chuẩn OCOP đến nay, công ty đảm bảo sản phẩm chất lượng, sản lượng tăng đều và tạo niềm tin, thu hút khách hàng tại địa phương và các vùng lân cận”.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: