06/07/2021 08:48
► Những bí thư chi bộ vì dân - Bài 1: Bí thư chi bộ lo “chuyện bao đồng” |
HÀN GẮN HÔN NHÂN
“Nếu không có anh Xề Rây động viên, phân tích đúng sai, nay vợ chồng tôi đã “đường ai nấy đi””, chị D.T.Đ (35 tuổi), ngụ tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Tà Săng, xã Dương Hòa (Kiên Lương) cho biết. Anh Xề Rây mà chị Đ nói là đồng chí Danh Xề Rây - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng.
Chị Đ và anh D.H (36 tuổi) có hai con. Chị làm công nhân lặt đầu tôm cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn, anh H làm thuê cho tàu đánh cá. Cuộc sống dù cơ cực nhưng hạnh phúc. Giữa năm 2020, chị Đ nghe đồn chồng có bồ và nảy sinh ghen tuông. Mỗi lần anh H đi biển về thường nhậu với hàng xóm, sau đó đi tăng hai tại quán nhậu có nữ phục vụ. Để có bằng chứng thuyết phục, chị Đ vào tận bàn nhậu của anh H chụp hình. Sau đó, chị Đ quyết định viết đơn xin ly hôn anh H.
Đơn ly hôn gửi lên ban lãnh đạo ấp Tà Săng. Nhận được đơn, đồng chí Rây mời hai vợ chồng lên làm việc. “Tôi nói vợ chồng sống với nhau hơn chục năm, lại có hai con dù không giàu nhưng đáng để nhiều người mơ ước, không nên vì chuyện nhỏ mà đòi ly hôn”, đồng chí Rây phân tích. Khi thấy vợ chồng chị Đ lắng nghe, đồng chí Rây tiếp tục: “Xã hội hiện đại, cuộc sống vợ chồng ít nhiều bị tác động. Vợ chồng ly hôn, các con không có chỗ dựa và dễ sa vào con đường vi phạm pháp luật. Ông bà, cha mẹ hai bên buồn vì nhìn con cháu ly tán”.
Sau phân tích của đồng chí Rây, anh H thừa nhận có đi nhậu, bàn nhậu có nữ phục vụ bia chứ không phải đi uống bia ôm. Đây là mối quan hệ xã giao và hứa sẽ không tái diễn. “Còn chị Đ dịu giọng, xin rút đơn và đề nghị tôi giữ kín chuyện của vợ chồng vì sợ đồn ra ngoài xấu hổ với hàng xóm”, đồng chí Rây cho biết.
Từ năm 2019 đến nay, ấp Tà Săng tiếp nhận 7 đơn liên quan đến hôn nhân và gia đình, phần lớn vụ việc đồng chí Rây trực tiếp hòa giải đều thành. “Phần lớn các vụ ly hôn đều do ghen tuông. Khi nhận đơn hoặc biết vụ việc, lãnh đạo ấp chủ động nắm sự việc và tiếp cận đương sự. Trước tiên làm dịu mâu thuẫn giữa vợ chồng, sau đó phân tích về tình, lý, hoàn cảnh gia đình, tương lai các con. Khi vợ chồng hiểu sẽ thông cảm bỏ qua cái tôi cá nhân, nối lại tình xưa”, đồng chí Rây chia sẻ kinh nghiệm.
LÀM TỐT CÔNG TÁC HÒA GIẢI
Là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ruộng Sạ I, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) chưa quá hai nhiệm kỳ nhưng đồng chí Nguyễn Văn Út đã hàn gắn nhiều rạn nứt trong nội bộ nhân dân. Giữa năm 2019, anh N.H.N (41 tuổi) và chị P.K.P (48 tuổi), ngụ tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Ruộng Sạ I xảy ra mâu thuẫn. Chị P viết đơn gửi ban lãnh đạo ấp trình bày, anh N thường un củi lấy than với số lượng lớn, gây khói bụi, ảnh hưởng đến gia đình chị P và hàng xóm. Chị P dùng nước dập lửa, anh N phản ứng dẫn đến mâu thuẫn. Sau khi nhận đơn, đồng chí Út và các chức danh ấp tìm hiểu, phân tích đúng, sai với các đương sự. “Anh N thấy mình sai nên di dời và chấp hành tốt việc un than củi, tránh gây khói bụi ảnh hưởng đến hàng xóm. Chị P rút đơn”, đồng chí Út cho biết.
Đồng chí Danh Xề Rây (đứng) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng, xã Dương Hòa (Kiên Lương) họp tổ hòa giải chuẩn bị đưa ra hòa giải một vụ xin ly hôn.
Nhà của hai ông Ng.V.A (66 tuổi) và ông Tr.V.P (66 tuổi), cùng ngụ tổ nhân dân tự quản số 5, ấp Ruộng Sạ I sát vách. Cả hai vừa là bạn vừa hàng xóm hàng chục năm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, mối quan hệ giữa ông A và ông P đổ vỡ chỉ vì tranh chấp ranh đất chưa đầy 1 mét chiều ngang của đoạn đường đi chung. Đỉnh điểm là đầu năm 2019, ông P viết đơn gửi ban lãnh đạo ấp Ruộng Sạ I.
Theo đồng chí Út, dù có giấy tờ thể hiện diện tích đất của mỗi người nhưng đường đi chung ai cũng muốn giành của riêng, từ đó hai bên thường xuyên xung đột. “Tôi mời người cao tuổi có uy tín tại địa phương, đồng thời là người thân của hai đương sự thường xuyên làm đầu mối tác động. Sau đó, tôi mời cả hai làm việc với tôi và người có uy tín ở địa phương. Người có uy tín phân tích đúng, sai của mỗi người, tôi kết luận. Tôi khẳng định nếu đưa ra tổ chức hòa giải mất thời gian đi lại của cả hai, hàng xóm biết sự việc cả hai sẽ xấu hổ, đồng thời mất luôn tình bạn lâu năm giữa hai người”, đồng chí Út cho biết.
Hiểu được sự việc và nhờ sự tác động của người thân, ông P đồng ý rút đơn; đồng thời xóa mâu thuẫn giữa ông và ông A từ nhiều năm nay. Kinh nghiệm hòa giải thành hoặc đương sự sớm rút đơn không cần đưa ra hòa giải theo đồng chí Út là phải xác định nguyên nhân mâu thuẫn và xử lý mâu thuẫn từ đầu.
“Mâu thuẫn ở cơ sở thường không lớn nhưng nếu không xử lý, giải quyết, hòa giải ngay từ đầu sẽ trở nên phức tạp. Mâu thuẫn giống như đám cháy nhỏ nếu không kịp thời dập tắt sẽ trở thành đám cháy lớn, khó khăn và phức tạp”, đồng chí Út nhận định. Đồng chí Út khẳng định để làm tốt công tác hòa giải, người đứng đầu ấp “mất ăn, mất ngủ”, phải suy nghĩ và tìm biện pháp, phân công thành viên ấp thực hiện tốt nhiệm vụ mới giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế “đám lửa” cháy lan.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: