19/01/2024 20:16
Gặp bà Thị Chắc (61 tuổi), ngụ tổ 9, ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, trong căn nhà cấp 4 khá lụp xụp, cạnh tuyến đường bao quanh núi Hòn Sóc. Trời về chiều, bà Chắc và 5 người cháu quây quần trong mâm cơm cuối ngày. Bà Chắc nói lúc này cuộc sống khó khăn, nên những bữa cơm canh cũng đạm bạc.
Gia đình bà Chắc từng có gần 15 năm làm nghề chẻ đá núi, thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng mỗi ngày. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn ổn định cho đến khi chồng bà - ông Nguyễn Xuân Quy bị tử nạn vì đá đè vào năm 2022.
“Khoảng 2 giờ trưa ngày đó, trong lúc đẩy một tảng đá lớn vào bãi chẻ trước nhà, chồng tôi bị đá đè dập nát phần chân. Sau khi được đưa đi cấp cứu, ông nằm viện 11 ngày, trải qua 2 lần phẫu thuật thì mất vì yếu sức. Chồng tôi là lao động chính, sự ra đi của ông khiến tôi hoảng loạn và mất chỗ dựa”, bà Chắc lau nước mắt kể lại. Cách đây ít ngày, bà Chắc vừa làm xong lễ giỗ lần thứ 2 cho chồng.
Dẫn tôi vào bên trong nhà, bà Chắc nhắc nhớ những kỷ vật lúc chồng bà còn sống. Đó là một cái mũ bảo hộ đội trong lúc chẻ đá, tấm ảnh kỷ niệm sau cùng của hai vợ chồng với nhau.
Nghe bà nội kể những chuyện buồn, cháu Thị Ngọc Anh (10 tuổi) thi thoảng nhìn xa xăm. “Con nhớ ông nội, lúc còn sống ông hay dẫn con đi học và mua cho nhiều quà, bánh”, Ngọc Anh vừa nói vừa ngại ngần chạy tránh ống kính máy ảnh.
Cháu Thị Ngọc Anh.
Mấy năm nay, bà Chắc bệnh tai biến, không còn sức lao động. Hàng ngày, một mình bà chăm nuôi 5 đứa cháu đang tuổi ăn học. Ngọc Anh là đứa cháu nhỏ nhất, đứa lớn nhất đang học lớp 9. Bà có 6 người con nghèo khó đi làm ăn xa, mỗi tháng gửi về tổng cộng vài triệu đồng để lo tiền cơm và chi phí học tập cho bọn trẻ. Những người hàng xóm cũng thường xuyên cho quà, cho gạo.
Theo bà Chắc, sau khi ông Quy tử vong, em trai và người cháu ngoại của bà vẫn tiếp tục làm nghề chẻ đá. Mọi người cũng mới vừa “nghỉ xả hơi” vài tháng nay, dự định qua Tết sẽ tiếp tục làm lại nghề chẻ đá. Từ sau biến cố, gia đình bà Chắc được chính quyền xã Thổ Sơn xét duyệt vào đối tượng hộ cận nghèo, được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc sống.
Chập tối, có đứa con gái út và cháu ngoại 8 tháng tuổi về thăm bà Chắc. Bà rất vui. Hơn 1 tháng không gặp, bà bế đứa cháu nhỏ hôn hít, cưng nựng, căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng cười nói. Ngọc Anh - cháu nội bà Chắc, nói từ khi ông nội mất, cháu chưa từng thấy bà nội mình cười vui như vậy.
Anh Phan Trọng Hữu (36 tuổi), ngụ tổ 7, ấp Hòn Sóc mất đi sức khỏe của một người đàn ông trung niên sau tai nạn trên bãi đá vào năm 2021. Trong lúc làm việc, anh Hữu bị máy cắt đá va vào người, cắt đứt gân tay.
Sau 2 tháng nằm bệnh viện, vết thương lành, nhưng lực tay của anh Hữu không thể phục hồi như trước. “Từ đó đến nay, tôi chỉ xách được những vật nặng chưa tới 4kg thì tay đã tê, đau buốt. Tôi cũng từng vì điều này mà mất ngủ trong nhiều tháng trời vì lo lắng”, anh Hữu chia sẻ.
Nhưng khi dần ổn định suy nghĩ, anh Hữu vẫn không bỏ nghề. Không thể là thợ chính để chẻ đá vì không đủ sức, anh Hữu quyết tâm làm phụ việc cho những thợ đá khác trong xóm để có thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Với cánh tay yếu ớt, anh chỉ có thể làm những việc nhẹ như nẻ mực, đo kích thước và đục nhẵn những cây đá trước khi xuất bán.
Chia sẻ khó khăn với chồng, vợ anh là chị Thị Nhành (34 tuổi) làm thuê khắp xóm để phụ giúp chồng lo tiền chi tiêu trong gia đình và chăm sóc 2 con nhỏ.
Vết sẹo lớn trên tay anh Hữu sau tai nạn.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, anh Hữu từng nhiều lần xúc động, than trách bản thân không đủ cẩn trọng để sự cố xảy đến với mình. “13 tuổi, tôi đã theo cha đi các mỏ đá ở An Giang làm nghề, rồi đến vùng núi Hòn Sóc lập nghiệp. Tính ra, tôi cũng có hàng chục năm kinh nghiệm, nhưng vẫn không tránh được tai nạn”, anh Hữu tâm sự.
“Sau tai nạn, chồng tôi ít nói, hay trầm ngâm. Vài tháng gần đây, tinh thần anh có nhiều thay đổi theo hướng tốt hơn. Anh nói với tôi trên đời này khổ nhất là chuyện sinh tử. Nếu đã vượt qua biến cố thì cuộc sống sẽ có điều hy vọng và tốt đẹp phía trước”, chị Thị Nhành kể lại.
Tai nạn của ông Quy, anh Hữu là những nốt trầm trong nghề chẻ đá của người dân xứ núi Hòn Sóc. Đấy cũng chưa phải là những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất từng xảy ra nơi xóm núi. Theo người dân địa phương, chẻ đá là nghề cực nhọc, tiềm ẩn nguy hiểm cao, “đứt tay, mẻ chán” là chuyện thường tình.
Nghề khó nhằn vậy mà đã tồn tại hàng chục năm tại xã Thổ Sơn, tạo nguồn thu nhập chính, nuôi sống hàng chục ngàn người. Chiều trên một bãi đá thuộc xã Thổ Sơn, nhóm 4 người thợ chẻ đá cùng người thân ngồi quây quần với nhau bàn chuyện giá đá thành phẩm đang giảm, ít thương lái thu mua. Một vài người nói nếu cứ đà này là sắp tới hết tiền chi tiêu, phải mượn, thậm chí là chạy gạo từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Hai (8 Khiêm) có hơn 30 năm làm nghề thu mua, sản xuất đá chẻ quy mô khá lớn ở xã Thổ Sơn. Khoảng 5 tháng nay, bãi đá thành phẩm của ông tồn đọng trên 10.000 cây đá với nhiều loại kích thước. Dù đầu ra khó khăn, nhưng ông Hai vẫn duy trì việc thuê hơn 20 thợ chẻ đá làm việc.
Đối với ông Nguyễn Văn Hai, việc "ôm bãi" với số lượng đá cây tồn đọng nhiều như vậy là điều chưa từng có trong chặng đường mấy mươi năm làm nghề. Theo ông, việc cần làm sắp tới là giữ bình tĩnh, trấn an anh em thợ và tích cực đi ngược về xuôi tìm thương lái bán đá.
Bãi đá của gia đình ông Nguyễn Văn Hai nhiều tháng không có thương lái đến thu mua.
Giá đá đang rớt mạnh, nhưng không thể làm “nao núng” tinh thần một người thợ thâm niên nghề hơn 30 năm như anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ tổ 5, ấp Hòn Sóc. Anh Thanh nói giá đá lên xuống là chuyện không lạ, thông thường qua Tết sẽ tăng, dần ổn định trở lại so với trước.
Anh Nguyễn Văn Thanh và những người hàng xóm ở tổ 5, ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Khi mới 9 tuổi, anh Thanh đã làm nghề chẻ đá cùng cha và những người họ hàng trong xóm. Thời trai trẻ, anh phiêu bạt với nghề ở khắp núi, đồi trong tỉnh An Giang.
Năm 19 tuổi, anh Thanh đến lập nghiệp tại xã Thổ Sơn, quen biết rồi nên duyên cùng chị Thị Mai. “Nhiều khi chúng tôi hẹn hò nhau trên bãi đá, đêm tối đầy muỗi. Ấy vậy mà nên duyên mấy mươi năm trời”, anh Thanh kể với giọng bông đùa làm cả nhóm thợ bật cười.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòn Sóc Hồ Thanh Phong cho biết, hiện giá đá sản phẩm giảm khá mạnh, khoảng 15% so thời điểm 5 tháng trước. Cụ thể, đá cây dài 2 mét được thu mua với giá 33.000 đồng/cây, thấp hơn 7.000/cây. Giá đá cây dài 3 mét hiện còn 53.000 đồng/cây, 5 tháng trước giá 60.000 đồng/cây…
Thu nhập bình quân của người làm nghề đá cũng giảm theo giá đá sản phẩm, hiện trung bình khoảng 300-400.000 đồng/người/ngày. Nhiều vựa đá lớn trên địa bàn xã chưa thể xuất bán vì không có thương lái đến mua.
“Lúc giá đá giảm mạnh, mọi người vẫn bám bãi đá để làm, chủ không cắt bớt tiền của thợ. Những người thợ lành nghề vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày, nghề đá nhờ thế mà không ngừng lại”, ông Hồ Thanh Phong chia sẻ.
Khoe với tôi bằng công nhận nghề chẻ đá xã Thổ Sơn là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký vào cuối năm 2019, ông Hồ Thanh Phong không giấu được sự vui mừng. Theo ông, đây là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực duy trì nghề truyền thống của đông đảo bà con sinh sống, làm nghề đá trong xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn Nguyễn Văn Trường nghề chẻ đá ở xã Thổ Sơn có hàng chục năm thăng trầm. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ dân làm nghề chẻ đá, tập trung ở hai ấp Hòn Sóc và Bến Đá. Trong đó, có khoảng 60 hộ là người dân địa phương, số hộ dân còn lại đến từ tỉnh An Giang. Mọi người cùng nhau tạo nên không khí làm việc nhộn nhịp, đặc trưng nơi xóm núi. Ban đầu người dân địa phương chẻ đá để có vật liệu phục vụ việc xây dựng nhà của mình, về sau thì mở rộng buôn bán.
Dấu mốc lớn nhất của nghề là vào 2014, người làm nghề chẻ đá được tiếp cận với máy cắt đá, sản phẩm đá cây thẳng đẹp hơn, năng suất tăng khoảng 2-3 lần so quy cách đục đá bằng tay như trước kia. Từ năm 2018-2020 là thời điểm giá đá sản phẩm được ghi nhận cao nhất.
Nghề chẻ đá truyền thống ở xã Thổ Sơn có quy mô nhỏ lẻ, ở cấp độ từng hộ gia đình. Cách làm nghề là mỗi hộ sẽ đặt mua đá tảng lớn (khối đá) do các doanh nghiệp khai thác đá núi cung cấp.
Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá núi Hòn Sóc. Họ khai thác đá, xay đá để bán lại cho những công trình xây dựng trong cả nước. Một phần nhỏ lượng đá thô các doanh nghiệp bán lại cho người làm nghề chẻ đá ở địa phương thông qua thương lái.
Các thương lái sẽ dùng xe tải chở đá đến tận sân nhà của người dân và hỗ trợ việc bốc dỡ xuống. Sau đó, người làm nghề dùng máy và một số thiết bị để cắt những khối đá to thành những thanh đá (cây đá) có chiều rộng khoảng 12-14 cm, chiều dài dao động từ 0,5 mét đến trên 3 mét. Đây cũng là sản phẩm chính của nghề chẻ đá truyền thống ở xã Thổ Sơn.
Để chẻ đá, trước tiên người thợ sẽ xác định mạch đá và kẻ vạch bằng dây, sau đó dùng máy cắt thành từng đường rãnh. Tiếp theo, người làm nghề dùng nẹp sắt đóng vào rãnh, mỗi nẹp cách nhau khoảng 15 cm, rồi lấy búa đóng để tách dần khối đá ra từng thanh (cây).
Cuối cùng, người thợ dùng búa đẽo những phần đá thừa để cây đá trở nên vuông và nhẵn hơn. Khi thấy có đá thành phẩm, thương lái trong và ngoài tỉnh dùng ghe, hoặc xe tải đến tận nhà người dân để thu mua.
HOÀNG GIÁM
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: