22/12/2021 20:42
Bài 1: Xây dựng từ lòng dân, sức dân
Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được tỉnh ta phát động sâu rộng tới các ngành, cấp, quyết liệt trong triển khai thực hiện bằng giải pháp sát thực, từ đó đạt nhiều kết quả nổi bật, thu hút toàn dân tham gia hưởng ứng, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.
Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN
Xác định xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao trình độ sản xuất của nông dân để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ quá trình đô thị hóa; tạo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; xây dựng diện mạo nông thôn phát triển, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ những ngày đầu thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới được Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, các sở, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh thực hiện, qua đó nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành chú trọng đa dạng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới, ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm từng xã theo lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới.
Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh ta quan tâm kiện toàn bộ máy xây dựng nông thôn mới; ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tiến độ thực hiện ở cơ sở. Hàng quý, 6 tháng và cuối năm tổ chức sơ kết, đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp chỉ đạo, điều hành trong thời gian tiếp theo. Trên cơ sở khung cơ chế, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế, tỉnh, huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều hành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung hoàn thành nội dung, tiêu chí theo kế hoạch, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn liên kết theo chuỗi giá trị; hoàn thiện, nâng chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ phong trào, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới như hiến đất làm đường, trường học; xóa cầu khỉ; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự; đóng góp ngày công lao động; giữ gìn vệ sinh môi trường… tạo thành luồng gió đổi mới tích cực, toàn diện cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Diện mạo các vùng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống của người dân nâng lên. Đặc biệt, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể và lợi ích của nhân dân được đặt lên hàng đầu theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Qua đó phát huy nội lực trong nhân dân, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
DẤU ẤN 10 NĂM
Sau hơn 10 năm 2011-2020 triển khai thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay phong trào phát huy hiệu quả tích cực, đi vào đời sống nhân dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Toàn tỉnh có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,6%, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên; 3 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 20%. Diện mạo nông thôn ở 90 xã nông thôn mới có nhiều khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường nông thôn từng bước được cải thiện; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống của người dân vùng nông thôn nâng cao.
Đường vào ấp An Thọ, xã Định An (Gò Quao) được bê tông hóa, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đó là thành quả từ quá trình nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân trên địa bàn ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi toàn diện bộ mặt khu vực nông thôn, tạo nên những vùng quê đáng sống. Hơn 60 năm định cư tại địa phương, ông Danh Tiền, ngụ tổ 3, ấp An Thọ, xã Định An (Gò Quao) phấn khởi khi nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, nhất là sự đổi thay của những con đường đất thành đường nhựa, bê tông thẳng tắp, xe ô tô lưu thông dễ dàng. “Phong trào xây dựng nông thôn mới đem đến cho nhân dân cuộc sống tốt đẹp. Quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương quan tâm chăm lo đời sống cho người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Tiền nói.
Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, có hơn 89,95%km đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh và đồng bộ, cơ bản phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, nước mặn xâm nhập, từng bước đáp ứng phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo tưới tiêu, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt cho vùng lõm, vùng sâu, vùng xa. Giáo dục và đào tạo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây mới, sửa chữa nâng cấp; công trình điện, đường, trường, trạm được phát triển đồng bộ tạo bộ mặt nổi bật của nông thôn. Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Y tế, giáo dục tiếp tục được chăm lo nhằm nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp phát triển gắn với nhiều thành quả đạt được từ thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công tác ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tăng cường áp dụng. Hình thành nhiều cánh đồng lớn trên lúa, vùng nuôi tôm tập trung với quy mô lớn theo phương pháp thâm canh và từng bước bền vững về môi trường sinh thái. Phong trào kinh tế hợp tác - hợp tác xã được giữ vững và phát triển. Giải quyết việc làm trung bình từ 35.000-40.000 lao động/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 7,2% năm 2015, đến nay còn 1,91%.
Những kết quả trên góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2010 (23,1 triệu đồng), khoảng cách phát triển giữa nông thôn, đô thị từng bước được thu hẹp. Ước tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 là 29.186 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 1.023 tỷ đồng chiếm 3,50%, ngân sách địa phương đối ứng ngân sách Trung ương 883 tỷ đồng, chiếm 3,0%.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: