20/08/2021 16:36
Bài 1: Thích ứng với cú sốc COVID-19
Từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy khả năng chống chọi và tính linh hoạt trong thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó chính là nền tảng, động lực để doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với thách thức phía trước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng khả quan trong năm 2021.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ
Giữa lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt mục tiêu kép, công nhân tại các xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang vẫn miệt mài làm việc. Lao động trước khi vào ca đều đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Ngoài thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch với người lao động làm việc tại công ty, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang yêu cầu khai báo y tế đối với khách liên hệ công tác tại nhà máy và đối với toàn bộ người lao động sau các ngày nghỉ. Ông Cao Thanh Lương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cho biết: “Công ty xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra trường hợp nghi nhiễm, ca nhiễm tại đơn vị; thiết lập kênh liên lạc với trung tâm y tế địa phương, kịp thời thông báo khi xảy ra các vấn đề”.
Theo ông Cao Thanh Lương, nhờ thực hiện nghiêm giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang vẫn duy trì sản xuất liên tục, ổn định và mở rộng thêm nhà máy Kiên Giang 3. Đến cuối năm 2020, tổng số lao động tại công ty 5.000 lao động, tăng 170% so đầu năm 2020. Năm 2020 sản xuất 3,4 triệu đôi giày, dự kiến năm 2021 đạt 6,5 triệu đôi, tăng hơn 91% so năm 2020.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang vẫn duy trì hoạt động sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 439,66 triệu đô la Mỹ, tăng 10,74% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 58,62% kế hoạch năm 2021. Riêng kim ngạch xuất khẩu giày da của tỉnh 7 tháng năm 2021 đạt 82,86 triệu đô la Mỹ, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2020”. Điều đáng ghi nhận là ứng phó tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp trong tỉnh tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, ngành hàng và xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng chủ động ứng phó, từng bước thiết lập, hình thành nên mô hình thích ứng để “sống chung” với đại dịch.
Với sự năng động thay đổi giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường, doanh thu và đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, tiếp tục tăng trưởng khá. Cùng với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp giữ vững tăng trưởng thị trường nội địa và đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong 7 tháng đầu năm nay đạt trên 68.144 tỷ đồng, đạt 54,9% kế hoạch năm 2021 và tăng 8,16% so cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang vẫn duy trì hoạt động sản xuất.
Để có được sự tăng trưởng này, ngoài việc thực hiện chương trình khuyến mại hấp dẫn để duy trì, kích thích sức mua, nhiều doanh nghiệp còn khai thác hình thức kinh doanh dựa trên mô hình thương mại điện tử nhằm hạn chế khách hàng trực tiếp đến mua sắm hay tập trung đông người. Để phòng, chống dịch COVID-19, siêu thị Co.opmart Rạch Giá (TP. Rạch Giá) chủ động áp dụng nhiều biện pháp bán hàng trong điều kiện ứng phó dịch nhưng vẫn đảm bảo doanh số và phục vụ tốt cho tiêu dùng.
Ngoài thực hiện chương trình khuyến mại cho từng ngày, siêu thị còn áp dụng giảm giá mạnh sản phẩm thiết yếu, nhất là nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng trong mùa dịch. Các sản phẩm được bố trí giảm giá luân phiên theo nhóm và các ngày trong tuần để khách hàng thuận lợi mua sắm. Siêu thị Co.opmart Rạch Giá mở thêm phương thức bán hàng mới như bán hàng online với hình thức livestream giới thiệu sản phẩm, nhận đơn hàng qua điện thoại, qua Zalo, giao hàng tận nhà với hóa đơn 200.000 đồng trong bán kính 6km.
TRIỂN KHAI BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, đầu năm 2021, nhận định tình hình dịch COVID -19 diễn biến ngày càng phức tạp, Sở Công thương phối hợp Sở Y tế thành lập đoàn công tác làm việc với doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống COVID-19. Đoàn công tác làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực may mặc, giày da, gỗ, sản xuất, chế biến… và trung tâm thương mại, siêu thị với loại hình kinh doanh đặc thù, mật độ khách hàng đông.
“Qua làm việc, rà soát, nhìn chung doanh nghiệp nhận định được tình hình ngày càng phức tạp của dịch bệnh và chủ động triển khai thực hiện quy định về phòng, chống dịch tại doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất cơ bản triển khai đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tuyên truyền băng rôn, khẩu hiệu tại nơi ra, vào làm việc; yêu cầu công nhân, người lao động đeo khẩu trang toàn thời gian làm việc, đo thân nhiệt 100% công nhân, người lao động, khách hàng khi đến liên hệ…”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
Doanh nghiệp đều thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, với thành viên gồm chủ doanh nghiệp, trưởng, phó trưởng các phòng chuyên môn, nhân viên y tế, trưởng các dây chuyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện phân luồng đối với công nhân, người lao động khi ra vào nhà máy. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có bố trí xe đưa đón công nhân phải giảm 50% số lượng người trên xe, lập danh sách cụ thể từng công nhân được đưa đón. Đồng thời chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch cụ thể cho đơn vị, phương án ứng phó khi có trường hợp F0, tổ chức phân luồng phù hợp; phương án sản xuất, kinh doanh tương ứng với 5 cấp độ dịch bệnh.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn linh hoạt trong việc thích ứng. Khi tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên toàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện ngay phương án sản xuất “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng vượt qua đại dịch.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: