09/08/2023 14:59
Dấu ấn từ nghị quyết “thuận thiên” Bài 1: Thách thức từ biến đổi khí hậu
DẤU ẤN TỪ NGHỊ QUYẾT “THUẬN THIÊN” - Bài 2: Thay đổi tư duy sản xuất
ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Nghị quyết 120/NQ-CP đề ra mục tiêu đến năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng và liên vùng, đảm bảo kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.
Cùng với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trước những thách thức từ biến đổi khí hậu cần có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông là khâu đột phá được ưu tiên thực hiện.
Bên cạnh dự án đầu tư giao thông trọng điểm của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tích cực kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Siêu công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Kiên Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Theo đồng chí Lê Việt Bắc - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, những năm qua, mặc dù nguồn vốn ngân sách hạn chế nhưng tỉnh chủ động đưa ra các chương trình, đề án huy động nguồn vốn ưu tiên đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh huy động 26.839 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các tuyến đường giao thông kết nối quan trọng được triển khai thực hiện như nâng cấp, cải tạo tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; nâng cấp mở rộng đường tỉnh 963, đường tỉnh 966, đường tỉnh 975B (Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và nhánh nối với đường trục nam - bắc đảo Phú Quốc), đường ven sông Cái Lớn (An Biên - U Minh Thượng); xây mới 7 cây cầu trên tuyến đường tỉnh 964, cầu Mỹ Thái vượt kênh Rạch Giá - Hà Tiên, xây dựng 2.300km đường giao thông nông thôn…
Cùng với đó, hạ tầng đường thủy nội địa được tỉnh triển khai thực hiện đầu tư như cảng Hà Tiên, cảng Nam Du, cảng Thổ Châu… đầu tư nạo vét các tuyến đường thủy quan trọng phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa.
Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm thích ứng với biến đổi khí hậu được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng giúp Kiên Giang khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Điển hình như dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được Trung ương triển khai đầu tư xây dựng năm 2019 trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư 3.309 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp kiểm soát triều cường, nước biển dâng, giảm ngập úng do sụt lún đất, giảm thiệt hại do hạn, mặn vào mùa khô đối với mô hình sản xuất trong vùng; tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên.
KINH TẾ NÔNG NGHIỆP KHỞI SẮC
Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện nghị quyết này. Cụ thể đối với phát triển nông nghiệp, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển thủy sản và lúa gạo; xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; giảm dần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn liên kết tiêu thụ nông sản.
Nông dân xã Bình Minh (Vĩnh Thuận) thu hoạch tôm càng xanh.
Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi hợp lý. Các mô hình sản xuất được quy hoạch lại theo từng tiểu vùng. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, nước mặn được khuyến khích, mang lại hiệu quả cao như tôm - lúa, tôm dưới tán rừng, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Nhiều giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn năng suất cao được lai tạo thành công, đưa vào sản xuất đại trà tại các vùng ven biển thường xuyên bị nhiễm mặn như An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương…
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng cao, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt trên 26.020 tỷ đồng, chiếm 38,27% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân từ sản xuất nông nghiệp 100 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân trên 1ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Duy Nguyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) cho biết: “Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, chủ trương sản xuất thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức của người dân. Các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phát huy hiệu quả, lợi nhuận cao, giúp người dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: