07/08/2023 18:56
Bài 1: Thách thức từ biến đổi khí hậu
Cùng các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua Kiên Giang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG
Kiên Giang có bờ biển trên đất liền dài khoảng 200km và hàng trăm kilômét bờ biển quanh các đảo. Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng. Tại nhiều khu vực, sạt lở uy hiếp đến các khu dân cư, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Tình hình sạt lở bờ biển ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong khu vực và đời sống, sản xuất của người dân vùng ven biển. Nhiều diện tích rừng ngập mặn ven biển và diện tích các ao nuôi trồng thủy sản bị sạt lở hoàn toàn.
Ước có trên 117,243km bờ biển bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau, tình trạng sạt lở bờ biển làm mất hoàn toàn 42 căn nhà của người dân ven biển trên địa bàn huyện An Minh.
Anh Nguyễn Văn Khôi, ngụ xã Vân Khánh Tây (An Minh) sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở cho biết: “Mỗi năm cứ đến mùa gió tây nam thổi là người dân sống gần khu vực này lại lo sợ sạt lở đê biển. Mỗi năm, sóng biển cuốn trôi trăm mét đê. Nhiều người dân sợ phải chuyển nhà vào phía trong để đảm bảo an toàn. Số còn bám trụ chủ yếu là hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sống bằng nghề đi ghe biển.”
Không chỉ gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đê biển, tình hình sạt lở tại các bờ sông, bờ kênh trên địa bàn Kiên Giang cũng diễn biến phức tạp, tổng chiều dài bờ sông, kênh bị sạt lở trên 1.102km.
Tại các bờ sông thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành, Gò Quao, Vĩnh Thuận và TP. Rạch Giá, hiện tượng sạt lở bờ sông có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng và đời sống của người dân.
Diện tích lúa của người dân ấp An Thành, xã Bình An (Châu Thành) bị thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết diễn biến bất thường.
Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn 71,358km bờ biển, khoảng 1.067,3km bờ sông bị sạt lở chưa được triển khai giải pháp khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí đầu tư lớn trong khi nguồn lực của tỉnh hạn chế; kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cho tỉnh ưu tiên tập trung xử lý các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm nên còn nhiều vị trí sạt lở chưa được khắc phục kịp thời.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo lộ trình từng năm, tỉnh tranh thủ nguồn vốn ưu tiên bố trí đầu tư vào các công trình phòng, chống sạt lở nhằm bảo vệ tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Ước tính đến nay, từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương có 45,885km kè chống sạt lở bờ biển hoàn thành thi công và đang triển khai xây dựng. Công trình được đầu tư mang lại kết quả tốt, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần phục hồi môi trường sinh thái ven biển.
Ngoài ra có trên 35,216km kè chống sạt lở bờ sông hoàn thành. Công tác trồng và khôi phục diện tích rừng ngập mặn ven biển được tỉnh triển khai bước đầu mang lại kết quả với 743ha rừng được trồng mới tại các khu vực bãi bồi ven biển.
MẶN XÂM NHẬP ĐE DỌA
Đối với người dân miền Tây nói chung và người dân Kiên Giang nói riêng, hạn, mặn không là câu chuyện mới. Mỗi năm cứ đến mùa khô, tình trạng nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng tại các cửa sông tái diễn.
Đỉnh điểm vào mùa khô 2015-2016, đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt hạn, mặn chưa từng có, gây thiệt hại nặng nề cho 9 tỉnh ven biển, thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Tại Kiên Giang thời điểm đó có hơn 86.000ha lúa bị thiệt hại do nắng hạn và nhiễm mặn với hơn 32.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 2.350 tỷ đồng.
Đê biển bị sạt lở tại xã Vân Khánh Tây (An Minh).
Để ứng phó hạn, mặn, những giải pháp công trình và phi công trình được tỉnh triển khai thực hiện. Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rút kinh nghiệm từ những đợt mặn xâm nhập nhập trước đây, công tác dự báo tình hình khí tượng, thủy văn được thực hiện thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin chính xác để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó hạn, mặn.
Từ đầu mùa khô, căn cứ vào tình hình mặn xâm nhập, Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, Giang Thành, TP. Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc địa bàn huyện Châu Thành, vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất lúa và hoa màu.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn chủ động thực hiện gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn thời vụ để bảo vệ sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, điều tiết nguồn nước hợp lý, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất.
Người dân vùng hạn, mặn chủ động né mặn bằng nhiều giải pháp như gieo sạ sớm để tránh thiếu nước cuối vụ, sử dụng biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm, chủ động tích trữ nước ngọt, tự gia cố bờ bao… Nhờ thực hiện tốt các giải pháp công trình phòng, chống hạn, mặn, Kiên Giang cơ bản kiểm soát hiệu quả tình hình hạn, mặn, ổn định sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: