18/09/2023 10:11
Bài 1: Phú Quốc là động lực phát triển
Bài 2: Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng yếu
QUY MÔ KINH TẾ THỨ HAI KHU VỰC
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của Kiên Giang duy trì tăng trưởng ở mức khá, ước tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,29%/năm. Với mức tăng trưởng này, Kiên Giang cao hơn các tỉnh Đồng Tháp 5,12%, An Giang 4,51% và Trà Vinh 1,42%; tăng trưởng cao nhất trong khu vực là Hậu Giang 9,32%, kế đến là Bạc Liêu 8,19%, Vĩnh Long 7,8%...
Nổi bật là quy mô kinh tế của Kiên Giang vươn lên đứng thứ hai khu vực năm 2022, với 116.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau tỉnh Long An 156.000 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2023 quy mô kinh tế của tỉnh đạt 129.600 tỷ đồng, tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so năm 2020.
Đến nay, Kiên Giang thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của đại hội là duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là mục tiêu đặc biệt quan trọng của đại hội.
Đi vào chi tiết của cơ cấu nền kinh tế, điểm sáng nhất là khu vực I - nông, lâm, thủy sản phát triển tương đối bền vững, thể hiện rất rõ vai trò bệ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, chất lượng nông sản, thủy sản, giá trị gia tăng của ngành tăng cao. Lãnh đạo đúng định hướng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Kiên Giang xây dựng nông thôn đạt được nhiều tiến bộ mới. Đến nay, toàn tỉnh có 108/116 xã, 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Tỉnh đang trình hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận thêm huyện An Biên và Kiên Lương đạt chuẩn nông thôn mới.
Người dân thu hoạch tôm càng xanh ở xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 11,33%/năm, cao hơn nghị quyết đề ra với bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 10%/năm.
Ngành du lịch phục hồi và phát triển khá, từ năm 2021 đến cuối tháng 6-2023, tỉnh thu hút trên 15,2 triệu lượt du khách, tăng bình quân 16,97%/năm, trong đó khách quốc tế hơn 530.000 lượt.
Ba trụ cột trọng tâm của kinh tế biển được tập trung lãnh đạo nên có sự chuyển biến rất tốt. Kinh tế biển của tỉnh chiếm 80,3% GRDP của tỉnh, trong đó nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải phát triển và có bước tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển đô thị đạt kết quả tích cực. Đồng chí Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, Kiên Giang cơ bản hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chung TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Rạch Giá.
Tỉnh triển khai thực hiện chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 gồm TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, An Biên và Giồng Riềng. TP. Phú Quốc đạt đô thị loại II và trở thành thành phố biển đảo đầu tiên cả nước; Hà Tiên nâng lên thành phố và đạt đô thị loại III; đang tập trung nâng TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc lên đô thị loại I vào năm 2024.
Cùng với đó, Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các công trình trọng điểm mà nghị quyết đại hội xác định.
Cụ thể như Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và một số bệnh viện chuyên khoa, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cống Kênh Cụt, cống Sông Kiên, Kênh Nhánh, nâng cấp quốc lộ 80, đường tỉnh 963B (Bến Nhứt - Giồng Riềng), đường Thứ Hai - Công Sự; đang triển khai thực hiện dự án tượng đài Bác Hồ ở TP. Phú Quốc, khu căn cứ Tỉnh ủy tại huyện U Minh Thượng, đường 3 Tháng 2 nối dài (đoạn TP. Rạch Giá - huyện Châu Thành), đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất, Hòn Đất - Kiên Lương, đường ven sông Cái Lớn (An Biên, U Minh Thượng), đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (TP. Phú Quốc), cảng hành khách Rạch Giá và phối hợp thực hiện các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh...
NHIỆM VỤ KHÓ, NHƯNG PHẢI THỰC HIỆN
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tập trung phân tích, xét thấy một số chỉ tiêu có khả năng không đạt nghị quyết đề ra, trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nhiệm kỳ 7,24%/năm.
Nếu thực hiện đạt theo chỉ tiêu này thì giai đoạn 2024-2025 tỉnh phải đạt bình quân từ 10,24%/năm trở lên. Chỉ tiêu thứ 2 về cơ cấu kinh tế, hiện nay tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản còn chiếm đến 36,78% (nghị quyết 25,2%), trong khi đó ngành dịch vụ đến nay mới đạt 37,89% (nghị quyết 49,4%). Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có giải pháp tăng mạnh khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng để giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu.
Chỉ tiêu thứ 3 về thu ngân sách giai đoạn 2024-2025 là 37.992 tỷ đồng, đạt 51,59% nghị quyết, để cả giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng. Chỉ tiêu thứ 4, huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2024-2025 đạt 145.683 tỷ đồng, đạt 54,54% nghị quyết, để cả giai đoạn 2021-2025 đạt 267.128 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến cuối tháng 6-2023, Kiên Giang thu hút trên 15,2 triệu lượt du khách. Trong ảnh: Khu du lịch Mũi Nai, TP. Hà Tiên.
Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang cho rằng, để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng không phải không thực hiện được. Tiềm lực kinh tế của tỉnh còn nhiều dư địa nhưng nguồn nhân lực, vật lực để khai thác, hạ tầng kinh tế, trình độ công nghệ còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện chưa tốt, quản lý chưa chặt chẽ, hiệu quả...
“Nếu Kiên Giang cải thiện được vấn đề này sẽ giải quyết tốt các chỉ tiêu trên, do đó tôi đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết nhiệm kỳ làm sao khắc phục những khó khăn đó, biến thách thức thành thời cơ, động lực cho phát triển, khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đại hội”, đồng chí Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Đồng chí Đỗ Thanh Bình chỉ đạo, đối với các khu vực kinh tế, ưu tiên nhiệm vụ, giải pháp lớn mà nghị quyết đại hội đề ra có thể tạo ra đột phá mới. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Kiên Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao; đề án nuôi biển, nuôi bờ, cơ cấu lại ngành thủy sản...
Tỉnh phấn đấu trong năm 2023 phải triển khai được dự án nuôi biển; dự án nuôi bờ trên địa bàn TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương và Giang Thành. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, Kiên Giang tập trung chỉ đạo hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; triển khai thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành việc kéo điện lưới quốc gia ra hai xã đảo An Sơn và Nam Du (Kiên Hải). Khu vực dịch vụ, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với bối cảnh, xu hướng phát triển du lịch của quốc gia, đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của tỉnh; phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước, mang tầm quốc tế...
Bài và ảnh: ĐỨC BÌNH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: