15/06/2021 10:58
TRIỂN KHAI CHỐT PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Nằm cạnh rạch Dứa nép mình dưới tán cây ô môi, chốt phòng chống dịch số 8 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành (Kiên Giang) được dựng bằng lều bạt đơn sơ. Cán bộ, chiến sĩ ở chốt kể mùa nắng nóng nên chốt được dựng nép dưới cây ô môi để hưởng bóng râm, che cái nắng gay gắt miền biên giới. Thiếu tá Hà Văn Tám - nhân viên kiểm soát Trạm Kiểm soát Biên phòng Đầm Chít (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành) nói: “Ban đêm tuần tra cực lắm, cán bộ, chiến sĩ băng đồng, lau sậy nhiều nên di chuyển vất vả. Chuyện thức suốt đêm làm nhiệm vụ là bình thường đối với cán bộ, chiến sĩ”.
Thượng tá Doãn Đình Tránh (bìa phải) - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch số 8 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành quan sát, nắm tình hình trên tuyến biên giới.
Để đến các chốt trên tuyến biên giới huyện Giang Thành, chúng tôi phải băng đồng rồi di chuyển bằng vỏ máy mới tới được chốt. Đồng hành trên tuyến biên giới với chúng tôi, Thượng tá Doãn Đình Tránh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết: “Kiên Giang có biên giới trên bộ dài khoảng 56,8km, tiếp giáp với hai tỉnh Kampot và Tà Keo của nước bạn Campuchia. Các đối tượng lợi dụng đường biên giới trên bộ dài để vận chuyển hàng lậu, xuất, nhập cảnh trái phép, vì vậy cán bộ, chiến sĩ các chốt trên tuyến biên giới phát huy tinh thần đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép”.
Cùng với đường biên giới trên bộ dài, Kiên Giang có bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng 63.000km2 và có khoảng 143 đảo lớn, nhỏ. Quần đảo Phú Quốc, quần đảo Hải Tặc có vị trí địa lý gần với đất liền của Campuchia, tiếp giáp vùng nước lịch sử. Hiện Kiên Giang có trên 9.845 tàu cá dài 6 mét trở lên, hàng ngàn phương tiện thủy nội địa và tàu cá từ địa phương khác đến hoạt động trên vùng biển Kiên Giang. Với đặc thù như vậy, một số đối tượng có thể lợi dụng để xuất, nhập cảnh trái phép.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, từ khi dịch mới xuất hiện vào tháng 3-2020, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tổ chức 72 chốt, 4 tổ cơ động, 1 biên đội tàu gồm 4 chiếc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và chống buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới và biển, đảo.
Chốt phòng, chống dịch số 8 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành (Kiên Giang) được dựng bằng lều bạt đơn sơ, song cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống người xuất, nhập cảnh trái phép.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến tháng 4-2021, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tổ chức triển khai, duy trì hơn 104 chốt cố định, 22 tổ cơ động trên đất liền ven biển, trên biển, tàu trên biển phối hợp lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở dọc biên giới. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng chó chiến đấu tham gia thực hiện nhiệm vụ. Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 4-2021, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra trên 3.000 lượt, với trên 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
VỮNG VÀNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
Cái khó nhất ở chốt phòng, chống dịch là thiếu nước sinh hoạt vào những tháng mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chở từng can 30 lít nước từ trạm ra chốt tới vài cây số. Vì nước sinh hoạt khan hiếm nên bộ đội sử dụng nước tiết kiệm, chủ yếu để nấu ăn, rửa mặt. Những chốt ở sâu trong tuyến kênh cặp theo biên giới, cán bộ, chiến sĩ phải múc nước kênh lóng phèn chua rồi sử dụng nước đó để tắm. Vất vả là thế nhưng tinh thần cán bộ, chiến sĩ ở chốt vẫn luôn vững vàng.
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sầm, ngụ ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú (Giang Thành) cho Đồn Biên phòng Vĩnh Điều (Giang Thành) mượn nhà làm chốt phòng, chống dịch. Nhà anh Sầm nằm sát biên giới, vợ chồng anh vốn quê ở tỉnh An Giang sang huyện Giang Thành thuê đất làm ruộng mưu sinh.
Cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) chở từng can nước từ đơn vị ra chốt.
Cuộc sống không khá giả nhưng vợ chồng anh rất hào sảng khi tiếp đón cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, chuẩn bị giường ngủ, nơi ở, nơi ăn cho lực lượng phòng, chống dịch. Những khi đi tập thể dục, đi làm nông, vợ chồng anh tăng cường quan sát, thấy có đối tượng nghi ngờ vận chuyển hàng lậu, xuất, nhập cảnh trái phép là báo lực lượng biên phòng.
Chị Đặng Kim Thủy - vợ anh Sầm còn tự nguyện nấu cơm cho bộ đội ăn trong thời gian phòng, chống dịch. Chị Thủy bộc bạch: “Thấy mấy chú Bộ đội Biên phòng, công an, quân sự phòng, chống dịch thức đêm tuần tra vất vả, tôi thương lắm nên nấu cơm cho các chú ăn. Tôi thương các chú như người nhà”. Theo Trung tá Trần Văn Quân - Phó Đội trưởng Đội quần chúng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng anh Sầm và nhiều người dân trên địa bàn mà công tác phòng, chống dịch, phòng, chống buôn lậu của lực lượng phát huy hiệu quả. Hiện đơn vị tiếp tục tuyên truyền để người dân chung sức thực hiện nhiệm vụ này.
Chúng tôi đến chốt số 3, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều khi Đại úy Vũ Khắc Tự - Chốt trưởng chốt số 3, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều chuẩn bị cơm trưa cho cán bộ, chiến sĩ ở chốt. Bắc chảo lên bếp lửa, cho dầu vào, cho ít đường rồi cho tỏi băm nhuyễn vào chảo, lấy đũa khuấy đều, khi tỏi dậy mùi thơm, Đại úy Tự cho những khứa cá vào nồi để kho. Đây là cá cán bộ, chiến sĩ bắt được ở con kênh gần chốt. Chốt ở cặp biên giới, xa chợ nên cán bộ, chiến sĩ ngoài làm nhiệm vụ còn tranh thủ đi bắt nhái, cá, trồng rau cải thiện bữa ăn.
Cán bộ, chiến sĩ đùm bọc, yêu thương, hỗ trợ nhau làm nhiệm vụ. Ở chốt số 3, thương nhất Trung úy Nguyễn Văn Định - cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, quê ở tỉnh Nghệ An về huyện Giang Thành công tác. Đồng chí Định bám chốt khi vợ mới mang thai, nay con đã 4 tháng tuổi. Dù hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nhưng đồng chí Định cũng như cán bộ, chiến sĩ ở chốt đều có tâm thế vững vàng, khi nào còn dịch thì còn bám chốt làm nhiệm vụ, hết dịch mới về với gia đình.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: