Báo Kiên Giang Báo Kiên Giang
  • Video
  • Podcast
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Giải trí
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới

Xã hội Phóng sự - Ghi chép

Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên

Bài 2: Những câu chuyện thoát nghèo

28/01/2021 08:52

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 46,2 triệu đồng/năm, tăng 1,57 lần so năm 2015, hộ nghèo còn 1,69%. Kết quả này không chỉ từ nỗ lực vươn lên của người dân mà còn có sự tiếp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể.

CẦN CÂU CHO HỘ NGHÈO

Tháng 9-2020, ông Danh Chi (73 tuổi) - hộ nghèo ở ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) đến Ủy ban nhân dân xã xin gặp lãnh đạo để nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Sau khi rà soát điều kiện kinh tế gia đình và nguyện vọng của ông Chi, Ủy ban nhân dân xã Đông Yên công nhận gia đình ông thoát diện hộ nghèo.

7 năm trước, vợ ông Chi lâm bệnh. Kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt theo những đơn thuốc điều trị. Nhà có 11 công đất, ông Chi cầm cố hết để lo chi phí điều trị bệnh cho vợ vẫn chưa đủ, nợ nần chồng chất. Gia đình ông Chi được địa phương xét thuộc diện hộ nghèo và được hưởng các chính sách theo quy định Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Xai, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) chăm sóc rẫy màu của gia đình.

Để giúp đỡ gia đình người du kích xã năm nào đang gặp cảnh khó khăn, Hội Cựu chiến binh xã Đông Yên xét cho ông Chi vay vốn xoay vòng 30 triệu đồng không tính lãi. Có vốn, ông Chi mua cặp bò sinh sản nuôi, sau nhiều năm có tích lũy, ông chuộc lại đất để nuôi tôm, trồng lúa. Cần cù làm lụng đến đầu năm 2020, ông Chi trả hết nợ.

Giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh có 204 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Dù biết viết đơn xin thoát nghèo đồng nghĩa không còn thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng nhiều hộ vẫn quyết tâm làm đơn xin thoát nghèo bởi như ông Chi đã chia sẻ: “Tôi muốn thoát nghèo vì thấy mình còn lao động được, muốn nhường phần hỗ trợ cho nhiều trường hợp còn khó khăn hơn”.

Chuyện làm đơn xin thoát nghèo của ông Chi cũng như nhiều hộ khác góp phần cổ vũ, động viên hộ nghèo trong tỉnh phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một trong những định hướng của tỉnh trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2015-2020 là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo, tạo điều kiện phát huy tính tự lực của hộ nghèo trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Chỉ tiêu về giảm nghèo ở những xã, huyện nông thôn mới càng được ưu tiên thực hiện để tiến tới không còn hộ nghèo.

Nhờ có cơ sở làm lò bằng xi măng của vợ chồng chị Võ Thị Diễm, ngụ ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa (Gò Quao), hơn 20 lao động địa phương có việc làm ổn định. Cơ sở sản xuất của gia đình chị Diễm mỗi tuần cung cấp ra thị trường gần 500 sản phẩm. Chị Diễm cho biết: “Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, giúp người dân địa phương có việc làm, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở xưởng đúc lò bằng xi măng. Cơ sở ăn nên làm ra nên gia đình tôi có dư và mua thêm ruộng đất, phát triển kinh tế gia đình”.

VƯƠN LÊN TỪ NỖ LỰC

Xã Vĩnh Điều (Giang Thành) từng dẫn đầu huyện về hộ nghèo. Để phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã biên giới này dốc toàn lực cho công tác giảm nghèo, xem đây là tiền đề để tiến tới thực hiện các tiêu chí khác. “Bí quyết” của xã trong công tác giảm nghèo là “trao cần câu” để hộ nghèo tự lực vươn lên. Từng là hộ nghèo của xã Vĩnh Điều, gia đình anh Trương Bình Đẳng, ngụ ấp Tà Êm được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành cho vay 40 triệu đồng để mua cặp bò nuôi cách nay 6 năm.

Hiện gia đình anh Đẳng có 3 con bò cái, bình quân mỗi năm gia đình anh bán được 3 con bò, thu về hơn 60 triệu đồng. “Vùng này cỏ mọc nhiều, gia đình tôi cứ thả lan để bò tự tìm thức ăn. Đến mùa thu hoạch lúa, tôi cuộn rơm trữ lại cho bò ăn nên không tốn chi phí nhiều. Có sự hỗ trợ vay vốn chăn nuôi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có vốn phát triển kinh tế gia đình, nếu không vẫn nghèo hoài”, anh Đẳng cho biết.

Chị Võ Thị Diễm (bên phải), ngụ ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa (Gò Quao) gia công khung đúc lò xi măng.

Qua những chuyến đi thực tế tại các địa phương trong tỉnh, điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi là những hộ trước đây từng là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn nay bằng chính nghị lực, sự cần cù trong lao động đã vươn lên. Gia đình ông Nguyễn Văn Xai (47 tuổi), ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) là điển hình như thế. Gia đình ông Xai thoát diện hộ nghèo năm 2019 nhờ chuyển đổi 2 công đất ruộng sang trồng màu.

Biết ông thiếu vốn sản xuất, ban lãnh đạo ấp Tân Quới hướng dẫn thủ tục để ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng đầu tư sản xuất. Cần mẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng/năm từ 4 vụ màu. Ông Xai cho biết: “Trồng rẫy cực lắm nhưng có lãi gấp 4 lần làm lúa. Có mấy công rẫy, gia đình tôi nuôi hai con đang học đại học. Vợ chồng tôi muốn các con sau này không phải nghèo khó nên cố gắng để lo cho các con học hành”.

Tân Hiệp là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Giai đoạn 2015-2020, cùng với việc tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Hiệp quyết tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,76%, giảm 5,81% so năm 2016.

Đồng chí Nguyễn Thị Tư - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hiệp nói: “Ngoài tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, huy động vốn từ ngân sách địa phương, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập”.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH - THÙY TRANG

Tin liên quan

>Bài cuối: Nông thôn mới - tư duy mới

Bài cuối: Nông thôn mới - tư duy mới

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với những cách làm hay, sáng tạo, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trở thành điển hình với nhiều kinh nghiệm hay cần tiếp tục được nhân rộng.

>Bài 1: Lòng dân đã thuận, việc gì cũng xong

Bài 1: Lòng dân đã thuận, việc gì cũng xong

Góp phần rất lớn vào thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang là nhờ tiếp sức từ người dân, trong đó có nhiều nông dân hiến đất làm đường, xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Tin cùng mục

Ký ức Công nông “ăn cơm bông cỏ”, bán hàng “chợ đen”

Ký ức Công nông “ăn cơm bông cỏ”, bán hàng “chợ đen”

Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài cuối: Tiếp sức xây dựng nông thôn mới

(KGO) - Đến tháng 4-2025, Kiên Giang có 116 xã nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 8 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đạt được những con số ấn tượng này là từ nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó có sự giúp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

  • Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 2: Đưa vốn đến từng đối tượng
    Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 2: Đưa vốn đến từng đối tượng
  • Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 1: Đổi thay nhờ dòng vốn
    Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 1: Đổi thay nhờ dòng vốn
  • Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước  - Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa
    Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa
  • Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước  - Bài 4: Vươn ra biển
    Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài 4: Vươn ra biển

Tin nổi bật

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Sức mạnh của đoàn kết

Sức mạnh của đoàn kết

  • Ẩm thực
  • Chính trị
  • Nông thôn mới
  • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Phóng sự - Ghi chép
  • Thời trang
  • Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Xã hội
  • Bạn đọc
  • Tinh gọn bộ máy
  • Văn hóa - Giải trí
  • Cải cách hành chính
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Quốc phòng - An ninh
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới
  • Truyện ngắn
  • Thơ
  • Tản văn
Media Báo in
  • Theo dõi báo Kiên Giang trên
  • Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy An Giang
  • Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình An Giang
  • Toà soạn: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Rạch Giá, tỉnh An Giang
  • Điện thoại: 0297.3899008 - Email: toasoan@baokiengiang.vn.
  • © 2021 Bản quyền thuộc về Báo Kiên Giang
  • Liên hệ quảng cáo: 0297.3949460. - Fax: 0297.3877518
  • Giấy phép số 60/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 25/01/2022 
  • Ghi rõ nguồn khi phát hành thông tin tại website này.

Tổng số lượt truy cập: