19/08/2020 15:00
TỪ VÙNG QUÊ NGHÈO
Chúng tôi trở lại vùng đệm U Minh Thượng vào dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang chuẩn bị Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên đường, màu xanh của những vườn chuối, rẫy khóm và nhiều loại hoa màu khác thu hút ánh nhìn của người đi đường. Nông sản được người dân chất ven đường, chờ thương lái đến thu mua. Những ngôi nhà khang trang khắp xóm, ấp. Vùng đệm U Minh Thượng hôm nay khoác lên mình “chiếc áo” mới. Tất cả bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn khi tỉnh triển khai dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng.
Năm 1992, tỉnh chủ trương khoanh nuôi, bảo vệ, khôi phục rừng tràm nguyên sinh với diện tích hơn 8.000ha và hình thành vùng đệm U Minh Thượng với quy mô gần 14.300ha thuộc hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Gần 3.500 hộ dân là gia đình chính sách, hộ nghèo không đất sản xuất ở các huyện khác đã đến định cư, phát triển sản xuất. Lúc bấy giờ, những nông dân nghèo được Nhà nước cấp đất, cho vay vốn sản xuất. Người dân động viên nhau lao động, sản xuất vươn lên, nhưng điều kiện thổ nhưỡng bấy giờ chưa đáp ứng mong đợi của người dân, nhiều người bỏ đi làm thuê ở xa.
Ông Nguyễn Văn Sấm, ngụ ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc chăm sóc xoài.
Ông Lê Văn Tam, ngụ ấp Minh Thượng B, xã Minh Thuận nhớ lại: “Những ngày mới đến đây lập nghiệp, vùng đất này toàn lau sậy. Cả vùng đều là nhà lá, cột chôn chân xiêu vẹo. Ðường giao thông sình lầy, người dân đi lại khó khăn”. Không điện, đường, trường, trạm y tế, sinh hoạt, đi lại của nhân dân, học hành của trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn và có đến 50% trẻ em không được đến trường. Những trường hợp đau yếu, bệnh tật phải di chuyển ra tận thị trấn Thứ Mười Một (An Minh) hoặc huyện Vĩnh Thuận. Phương tiện nghe nhìn thiếu thốn, thông tin liên lạc không thông, người dân không tiếp cận được chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
ĐỔI THAY TỪ CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG
Đến năm 1999, toàn vùng đệm U Minh Thượng vẫn còn hơn 60% diện tích hoang hóa, gần 70% dân số nghèo. Sau khi khảo sát các mô hình kinh tế trong vùng, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao khép kín. Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở hơn 200 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho 15.000 lượt người dân; đào tạo gần 170 kỹ thuật viên nông nghiệp cho các ấp trong vùng đệm. Nông dân bắt tay vào cải tạo mảnh đất cằn cỗi, phèn, mặn thành vùng sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất được hình thành và bắt đầu có hiệu quả.
Ðến năm 2005, mô hình sản xuất như nuôi cá đồng, canh tác lúa hai vụ, trồng mía, chuối, khóm, gừng, rau màu... bắt đầu phát huy hiệu quả, đời sống người dân từng bước nâng lên. Đồng chí Trần Kiếm Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Hiện số hộ đủ ăn, khá, giàu trong vùng dự án chiếm đến 82%. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đệm U Minh Thượng 50,7 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi nhà có 1 xe gắn máy, ti vi, giếng nước bơm tay. Trên 98% trẻ trong độ tuổi đã được học hành trong những phòng học kiên cố. Xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận đều có trạm y tế phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.
Nông dân xã Minh Thuận (U Minh Thượng) chăm sóc vườn cải.
Chúng tôi đến ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận - nơi có nhiều nông dân điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của xã và huyện U Minh Thượng. Đồng chí Quảng Văn Ðạt - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Minh Dũng cho biết: “Trước đây, đời sống người dân ấp có lúc khó khăn. Hiện người dân vừa sản xuất vừa cải tạo đất, tích lũy kinh nghiệm và chọn mô hình sản xuất phù hợp nên đời sống người dân ngày càng phát triển”. Hiện ấp Minh Dũng có hơn 70% số hộ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, nổi bật là mô hình trồng chuối và khóm gai. Mỗi hộ có từ 1 - 2,5ha thực hiện mô hình trồng chuối, giá chuối dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/nải, hộ có thu nhập thấp nhất khoảng 45 triệu đồng/năm, còn lại thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập từ cây chuối, cây khóm, nông dân còn nuôi cá cho thu nhập từ 5 - 20 triệu đồng/hộ.
45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dẫu thời gian vẫn chưa thể xóa nhòa vết tích chiến tranh trên vùng đất anh hùng này, nhưng vùng đệm U Minh Thượng đang đổi thay mạnh mẽ từng ngày.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: