06/09/2020 09:15
Đồng chí Kiều Văn Niết được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng năm 1976, khi mới 25 tuổi, vì đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đồng chí hiện ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá).
CÙNG ĐƠN VỊ DIỆT HÀNG TRĂM TÊN ĐỊCH
Kiều Văn Niết xuất thân từ gia đình nghèo khó ở huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh), lên 8 tuổi phải đi ở đợ, cắt cỏ, chăn trâu. Năm 1965, chiến tranh diễn ra ác liệt ở Củ Chi, giặc giết người cha thân yêu của đồng chí Niết, để lại mẹ và 4 anh em, Niết là con lớn nhất.
Nỗi đau đớn, căm thù giặc giết cha cùng nỗi khổ cực và trước mắt là quê hương đang bị tàn phá tiêu điều do bom đạn của giặc Mỹ gây ra, đồng chí Kiều Văn Niết nghĩ phải tìm con đường theo cách mạng. “Chỉ có theo cách mạng chiến đấu mới giải phóng được quê hương, mới trả thù được cho cha và thoát cuộc đời ở đợ. Năm 1968, tôi xin vào đơn vị bộ đội địa phương huyện Củ Chi. Được chiến đấu ngay trên quê hương đối với tôi đó là điều sung sướng”, đồng chí Niết chia sẻ.
Lúc đầu, đồng chí Kiều Văn Niết được giao nhiệm vụ làm liên lạc của đại đội, công việc hàng ngày chạy thư từ đại đội xuống các trung đội và trở lên huyện đội. Việc chạy thư tuy đơn giản nhưng trên địa bàn Củ Chi thì rất khó, muốn đem thư đến nơi đến chốn an toàn là việc “xương máu”. Bom pháo bắn phá liên tục, có khi từng đợt dữ dội, có khi cầm canh và có khi mất cả ngày. Địch càn bố, truy quét, phục kích gài mìn khắp nơi. Người chạy thư có thể hy sinh trên đường công tác trong phút chốc. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, đồng chí Niết còn vào ấp chiến lược nắm tình hình địch, đi gài mìn, cắm chông chặn đánh địch. Đêm đến, đồng chí đưa cán bộ vào ấp rồi gác cho các anh tuyên truyền, giáo dục đồng bào.
Sau 3 tháng làm nhiệm vụ liên lạc, đồng chí Kiều Văn Niết được tham gia chiến đấu. Từ đầu năm 1969 đến tháng 9-1970, đồng chí cùng đơn vị đánh 18 trận lớn nhỏ, diệt 300 tên địch, làm hư 25 xe, bắn rớt 1 máy bay trực thăng, thu hàng trăm súng. Riêng đồng chí Niết diệt được 8 tên Mỹ, 18 tên ngụy, bắn cháy 1 xe tăng, thu về 4 súng AR15.
Trong những lần chiến đấu, đồng chí Niết nhớ nhất trận đánh tháng 9-1970. Lần ấy, đồng chí được phân công đi với một tổ vào ấp chiến lược Bàu Tre đánh bọn biệt kích. Ấp chiến lược này thuộc xã Tân An Hội, gần thị trấn Củ Chi, bọn biệt kích ở đây đêm nào cũng bung ra rình rập, theo dõi cán bộ ta ra vào trong ấp.
Đồng chí Kiều Văn Niết hiện vẫn còn giữ chiếc bình đựng nước mà đồng chí thu được của địch trong kháng chiến.
Hôm ấy, trên đường đi theo phương án đã định, không may tổ của đồng chí Niết đụng địch bất ngờ vì chúng thay đổi quy luật hoạt động dẫn đến nổ súng, làm một đồng chí trong tổ hy sinh. Đồng chí Niết nổ súng vào đội hình địch, đồng thời tìm cách báo cho đồng chí tổ trưởng. Dù ném hai quả lựu đạn và bắn hai băng AK nhưng không đẩy lùi được sức phản công của địch, đồng chí Niết đành lui lại trận địa, vừa cầm cự chiến đấu vừa quan sát tìm đồng chí tổ trưởng. Thình lình, một quả cối rơi cách đồng chí Niết chừng 5m, cánh tay phải của đồng chí bị đứt còn dính lại một ít da, khẩu súng văng ra. Dù choáng váng nhưng đồng chí cố dùng tay trái nhặt khẩu súng rồi rút khỏi trận địa.
Đồng chí Kiều Văn Niết tìm đến nhà chị Tư Lẽo nhờ băng hộ vết thương, sau đó về căn cứ. Vừa đi đường, đồng chí vừa tính khả năng sẽ lại đụng địch, cánh tay bị thương chưa đứt hẳn nên rất khó khăn nếu phải đương đầu chiến đấu. Vì vậy, đồng chí quyết định đặt cánh tay lên bờ ruộng dùng bàn chân đạp giật nó đứt ra. Lần thứ nhất làm như vậy, đồng chí thấy mặt nóng bừng rồi ngất xỉu. Tỉnh lại, đi được một đoạn đường, đồng chí lại quyết định giật thật mạnh cánh tay phải rồi lại ngất xỉu. Cuối cùng đồng chí phải để vậy và suốt đêm tìm về được đơn vị. Trận đánh trong đêm ấy, đồng chí Niết diệt được 3 tên và 2 tên bị thương, trong đó có thằng thượng sĩ ác ôn.
MẤT MỘT CÁNH TAY VẪN THAM GIA CHIẾN DỊCH
Sau khi về đến đơn vị, đồng chí Kiều Văn Niết được đưa về điều trị trong điều kiện chiến tranh rất khó khăn. Trong 3 tháng điều trị, đồng chí tranh thủ nhờ một đồng chí cũng điều trị thương dạy học chữ. “Từ hồi nào đến giờ tôi không được học, không biết chữ nên rất “thèm” biết chút ít chữ. Có khi tìm được vài mảnh giấy để học, không có thì vẽ dưới đất hoặc vách hầm để học”, đồng chí Niết kể.
Thời gian sau, đồng chí Kiều Văn Niết được Huyện đội nhất trí đưa về cơ quan để làm liên lạc. Làm liên lạc từ sau khi lành vết thương (tháng 2-1971 đến cuối năm 1974,) đồng chí Niết đã đi 22 xã trong toàn huyện và 14 cơ quan. Chiến tranh ngày càng ác liệt ở Củ Chi, đồng chí vẫn đảm bảo an toàn tất cả mọi công văn, chỉ thị của Đảng, không xảy ra trường hợp nào sai sót. Đồng chí Niết đã đi được trên 700 thư hỏa tốc và gần 1.000 thư thường. Những chuyến thư đi suốt đêm ngày, có khi đồng chí phải đội nón lá, mặc quần áo nông dân trà trộn trong nhân dân để qua mắt địch.
Từ cuối năm 1974, tình hình có thay đổi, cấp trên bổ sung quân số cho đội hỏa tốc lên 14 đồng chí và chuyển đội này thành đội thông tin để phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước nhiệm vụ nặng nề nhưng thời cơ ngàn năm có một để giải phóng dân tộc, đồng chí Kiều Văn Niết với vai trò là đội trưởng đã họp ban chỉ huy đội đề ra phương hướng khắc phục khó khăn, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào đại thắng 30-4-1975.
Sau này, đồng chí Kiều Văn Niết công tác ở Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thường trực phía Nam. Hòa bình về, tuy chỉ còn một tay nhưng đồng chí Niết vẫn cố gắng công tác, lao động tốt. Đến cuối năm 1983, đồng chí chuyển về sinh sống ở quê vợ và công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang. Sau đó, đồng chí nghỉ hưu, cư ngụ tại phường An Hòa đến nay.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: