11/11/2021 14:00
● 30 năm đổi thay vùng đệm U Minh Thượng - Bài 1: Khai hoang, mở đất ● 30 năm đổi thay vùng đệm U Minh Thượng - Bài 2: Phất lên từ kinh tế nông hộ |
SỨC BẬT VÙNG ĐỆM
Đồng chí Trần Quốc Vương - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) cho biết: “Tháng 7 đến tháng 9-2021, khi tỉnh ta bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người dân vùng đệm An Minh Bắc thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng hỗ trợ hàng chục tấn nông sản giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khu cách ly tập trung, vùng cách ly y tế, với mong muốn chung sức vượt qua khó khăn của đại dịch”. |
Đi vào vùng đệm xã Minh Thuận, chúng tôi thấy nhiều căn nhà khang trang và người dân rất hiếu khách. Đồng chí Võ Hoàng Phúc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Thuận thông tin xã có hơn 15.000ha, trong đó diện tích vùng đệm 6.648ha, với 10 ấp. Kinh tế của người dân vùng đệm chia làm 2 vùng, gồm vùng trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá; vùng trồng cây ăn trái kết hợp trồng rau màu. Cơ quan chức năng, ngành chuyên môn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ con giống cho người dân đầu tư sản xuất. Xã thành lập hai hợp tác xã trong vùng đệm, hoạt động có hiệu quả.
“Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Minh Thuận trong và ngoài vùng đệm hàng năm giảm nhiều. Khi thành lập huyện U Minh Thượng năm 2007, xã Minh Thuận còn hơn 17,4% hộ nghèo, đến nay còn 4,3% hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống kênh, mương phục vụ sản xuất được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt 49 triệu đồng/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so năm 2015”, đồng chí Võ Hoàng Phúc nói.
Năm 1992, ông Nguyễn Văn Na, quê ở huyện Vĩnh Thuận về nhận đất ở ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) đã có những ngày vất vả, cuộc sống khó khăn. Hiện cuộc sống gia đình ông đã khác xưa. 4ha đất hoang hóa, năn, sậy ngày nào nay đã thay bằng vườn chuối, rẫy gừng và nhiều loại rau màu khác. 5 năm trước, gia đình ông Na xây dựng được căn nhà khang trang.
Ông Đinh Văn Út, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) thăm vườn chuối xiêm của gia đình.
Vài năm gần đây, chuyển sang trồng gừng giúp gia đình ông Na có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, ông trồng 2 công gừng, với giá bán 20.000-25.000 đồng/kg, lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2021, ông trồng 4 công gừng củ, nếu bán được giá sẽ có khoản lợi nhuận lớn. Ông Na nói: “Do năm trước mưa nhiều và triều cường dâng cao, ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng nhiều đến diện tích trồng gừng trong vùng đệm. Năm nay, tôi chủ động nạo vét mương, đắp cao bờ đê, khép kín khu vực trồng trọt của gia đình và đầu tư mua máy bơm phòng khi có mưa lớn kéo dài”.
Ông Đinh Văn Út, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận mới xây dựng nhà năm 2020, kinh phí 500 triệu đồng. Đây là thành quả lao động của gia đình. Ông Út kể với 4ha đất nhận khoán, trước đây ông làm 2 vụ lúa, nhưng không có lãi nhiều nên chuyển sang trồng chuối, gừng và các loại rau màu như đậu bắp, hành… Nhờ đa dạng hóa cây trồng, lấy ngắn nuôi dài, ông Út có thu nhập quanh năm. “Kinh tế ổn định, đời sống người dân trong ấp khá hơn trước. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư, đời sống ở vùng đệm nâng lên hơn trước đây rất nhiều. Gần đây dịch bệnh, đầu ra nông sản có phần khó khăn, nhưng nhìn chung bà con có ăn, có mặc, tự cung tự cấp dễ dàng”, ông Út chia sẻ.
KHOÁC CHIẾC ÁO MỚI
Nhìn tuyến đường bê tông vào ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) rộng rãi, xe tải chạy vào thu mua nông sản dễ dàng, chúng tôi thấy vui cho người dân. Đồng chí Danh Hữu Phước - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kinh 5 nói: “Hiện trong vùng đệm ở xã An Minh Bắc, tuyến đường bê tông được đầu tư rộng rãi, điện lưới quốc gia kéo về, sinh hoạt của người dân thuận tiện”.
Đồng chí Võ Hoàng Phúc (giữa) - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Thuận (U Minh Thượng) đến thăm hỏi tình hình đời sống, sản xuất của ông Nguyễn Văn Na (bìa phải), ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận.
Bà Ngô Thanh Hương, ngụ ấp Kinh 5 cho biết: “Trước năm 2000, đời sống người dân khó khăn lắm, đường giao thông đi lại hạn chế. Hiện kinh tế người dân trong ấp khá hơn nhiều nhờ trồng trọt có hiệu quả. Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường bê tông nông thôn, xe tải vào chở nông sản của người dân dễ dàng, thúc đẩy sản xuất của người dân. Trường học cũng được xây dựng, giúp các cháu học sinh đến trường dễ dàng”.
Hiện xã An Minh Bắc xác định phát triển kinh tế vùng đệm với chủ trương, kế hoạch cụ thể, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, việc chăm lo hộ nghèo được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Năm 2020, xã đăng ký thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới, qua đó triển khai xây dựng trên 100 căn nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 và nhà đại đoàn kết.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song xã An Minh Bắc nỗ lực hoàn thành công tác khảo sát phần việc của hộ gia đình tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 15 phần việc của hộ gia đình thực hiện đạt trên 90%; 12 phần việc của ấp, tổ nhân dân tự quản thực hiện đạt 95%. Hiện xã đạt 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2023 đạt chuẩn xã nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân toàn xã nói chung và trong vùng đệm nói riêng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Na, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) chăm sóc rẫy gừng.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng thông tin kết cấu hạ tầng trong vùng đệm được huyện quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất này. Đường giao thông trong vùng đệm hiện không chỉ xe hai bánh lưu thông được mà có những nơi xe bốn bánh lưu thông được. Xã có trên 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và điện 3 pha về đến hợp tác xã phục vụ sản xuất. Một số nơi có nước máy về tận nhà dân.
“Trường học được địa phương, ngành giáo dục quan tâm đầu tư. Gần đây thực hiện chủ trương chung xóa một số điểm trường lẻ, tuy nhiên giao thông nông thôn phát triển, dân cư ngày càng đông đúc, học sinh về học tại điểm trường lớn được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp. Năm 2021, huyện đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 4 trường tiểu học và trung học cơ sở ở xã Minh Thuận, An Minh Bắc, với kinh phí trên 10 tỷ đồng/trường”, đồng chí Nguyễn Quốc Khởi nói.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: