28/03/2024 13:30
Công nhân Nhà máy thực phẩm đóng hộp KTC, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang) sơ chế cá hộp. Ảnh: KIỀU DIỄM
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt từ 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, trồng trọt tăng 2,02%; chăn nuôi tăng 4,34%, thủy sản tăng 3,46%; lâm nghiệp tăng 4,11%. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu đạt 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%.
Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, nông sản chính 2,75 tỷ USD (tăng 31,1%), lâm sản chính 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi 43,6 triệu USD (tăng 8,3%).
Tính chung 3 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%.
Đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: gỗ đạt 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); tau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%).
Nhiều nông sản có giá xuất khẩu bình quân tăng như: giá xuất khẩu gạo 661 USD/tấn tăng 5%; cà phê 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%; cao su 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/T, tăng 35,6%.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang châu Á 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); Châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%).
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Mỹ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Hiện trong nước các mặt hàng nông sản có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành sẽ dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn, dịch hại để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Theo TTXVN
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: