16/02/2024 10:37
Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi, đón tết cùng gia đình, anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp lại tất bật ra đồng. Những tín hiệu vui từ thị trường lúa gạo như tiếp thêm động lực để anh Huỳnh cùng các thành viên trong hợp tác xã hăng hái lao động, sản xuất. Vụ đông xuân 2023-2024, toàn hợp tác xã xuống giống 613ha, đến nay phần lớn các diện tích lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Anh Huỳnh cho biết, nhờ xuống giống tập trung, gieo sạ đồng loạt, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên vụ này chi phí sản xuất giảm đáng kể. Năm 2024, hợp tác xã dự kiến đăng ký tham gia đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với quy mô 600ha/vụ. Nông dân rất kỳ vọng khi tham gia đề án 1 triệu hecta sẽ sản xuất thuận lợi hơn, đầu ra ổn định, bán lúa được giá cao.
Ông Trịnh Hoàng Hải, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất dỡ nhá thăm tôm. Ảnh: THÙY TRANG
Đến nhà ông Trịnh Hoàng Hải, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất đúng lúc ông đang quay máy trộn thức ăn, chuẩn bị cho tôm ăn. Năm 2023, cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác trên địa bàn xã, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, dịch bệnh hoành hành khiến 3 vụ tôm trước, ông Hải bị thất mùa, lỗ vốn. Vụ tôm đầu năm 2024, ông Hải vẫn cố gắng tìm cách xoay sở có vốn thả giống vụ tôm mới.
Để tiết kiệm chi phí, cũng như giảm rủi ro trước tình hình thời tiết và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Hải thả thưa, kết hợp nuôi tôm 2 giai đoạn kết hợp thay nước thường xuyên, giúp tôm lớn nhanh, rút ngắn thời gian nuôi. Đến nay, tôm đã đạt trọng lượng 50-60 con/kg. Dự kiến qua tết sẽ thu hoạch.
Chia sẻ những kỳ vọng cho năm mới, ông Hải nói: “Năm nay được dự báo sẽ là một năm kinh tế tiếp tục khó khăn. Tôi mong Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, giá cả ổn định, giúp nông dân có một năm làm ăn thuận lợi”.
Trong khi đó, tại ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, nhiều chủ nhà vườn đang tất bật sửa sang lại khu vườn đã thu hoạch xong vụ hoa bán tết. Anh Lê Thanh Vũ, ngụ ấp An Khương cho biết tết vừa qua gia đình anh đón năm mới với không khí vui tươi, đầm ấm vì năm qua thời tiết thuận lợi cho hoa phát triển tốt, thu nhập từ vụ hoa tết cũng ổn. Tuy nhiên, giá hoa bán ra vẫn chưa ổn định nên gia đình anh và nhiều hộ trồng hoa giảm lợi nhuận so những năm trước.
“Tôi đang chuẩn bị mở rộng diện tích trồng ớt sừng vàng. Đây là giống ớt nhập khẩu, tôi trồng được 2 vụ rồi, đầu ra khá tốt, giá bán lại cao, dao động từ 45.000-80.0000 đồng/kg. Hy vọng mọi thứ sẽ thuận lợi hơn”, anh Vũ nói.
Anh Lê Thanh Vũ, ngụ ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành thu hoạch ớt sừng vàng. Ảnh: ĐẶNG LINH
Đầu xuân, không chỉ nông dân tích cực ra đồng chăm sóc, bảo vệ các loại cây trồng với kỳ vọng vào một vụ tới bội thu, những người làm kinh tế trang trại cũng mong năm 2024 giá nông sản tiếp tục được cải thiện. Từ năm 2017 đến nay, ngành chăn nuôi heo liên tiếp gặp cú sốc như khủng hoảng dư cung, dịch tả heo châu Phi, dịch COVID-19, suy thoái kinh tế... Điều này khiến nông dân và doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận mang tính bền vững.
Ông Lê Hùng Tín, chủ trang trại nuôi heo tại ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp cho biết: “Sang năm mới, tôi mong cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát biên giới, thị trường nhằm ngăn chặn heo nhập lậu. Về lâu dài, ngành chăn nuôi có giải pháp tổ chức lại sản xuất nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành chăn nuôi là hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất - phân phối - tiêu dùng. Từ lâu khâu phân phối trung gian vẫn hưởng lợi nhiều nhất cho dù giá heo có cao nông dân cũng không hưởng lợi nhiều, người tiêu dùng vẫn phải mua giá thịt ở mức cao. Nếu không hài hòa giữa các khâu, người chăn nuôi sẽ còn tiếp tục gặp khó”.
ĐẶNG LINH - THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: