18/02/2021 16:57
ỔN ĐỊNH VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có hơn 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Đồng chí Lư Văn Còn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Tuy nhiên, trong khó khăn, tinh thần doanh nhân tiếp tục tỏa sáng, thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa chống dịch. Được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, các doanh nghiệp đã đổi mới sáng tạo, kết nối thị trường mới tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh các thị trường truyền thống bị đứt gãy do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đầu năm mới “xông đất” Nhà máy may Vinatex Kiên Giang, công nhân, người lao động làm việc hăng say tại các tổ may. Công việc diễn ra khẩn trương, mỗi người toát lên niềm vui bởi có việc làm và thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Vinatex Kiên Giang cho biết: “Hiện Vinatex Kiên Giang sản xuất được hầu hết các mẫu sản phẩm theo yêu cầu của Tổng Công ty Dệt may miền Nam Vinatex. Năm 2021, Vinatex Kiên Giang đang tập trung cho 2 sản phẩm chính là thời trang nữ gile và quần short xuất khẩu”.
Theo ông Nguyễn Văn Sáng, sau hơn 5 năm hoạt động, tổng doanh thu của Vinatex Kiên Giang tăng từ 27 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 70 tỷ đồng năm 2020. Hiện Vinatex Kiên Giang có trên 800 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Công nhân làm việc tại công ty được hưởng lương theo sản phẩm, càng siêng năng làm việc, tay nghề càng cao thì thu nhập càng cao. Công ty còn hỗ trợ người lao động các khoản phụ cấp như chuyên cần, xăng xe, hỗ trợ nuôi con nhỏ..., tạo phấn khởi cho người lao động yên tâm làm việc.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Kiên Giang đang may quần áo xuất khẩu.
Chị Tạ Kim Hảo làm việc tại tổ may 5 cho biết chị vào làm ở Vinatex Kiên Giang được 10 tháng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, mức lương của chị đã đạt 6 triệu đồng/tháng. “Tôi mới lập gia đình, có công việc ổn định nên vợ chồng tôi cố gắng làm để ổn định cuộc sống”, chị Hảo nói. Còn chị Nguyễn Thị Bình, ngụ ấp Cây Gõ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho biết: “Tôi từng đi làm ở nhiều khu công nghiệp nhưng xa nhà. Giờ làm tại Vinatex Kiên Giang gần nhà, đi lại thuận lợi, chịu khó làm thì có thu nhập cao”.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Đầu năm 2021, công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên - Kiên Giang phấn khởi khi mức thu nhập vẫn ổn định trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo ông Dương Thanh Hà - Phó Giám đốc Sản xuất - Điều hành Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên - Kiên Giang, năm 2021, cùng với việc kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, công ty chú trọng ứng dụng khoa học trong xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước đạt kế hoạch đề ra.
Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang hiện có 279 lao động, trong đó 90% lao động tại Kiên Giang. Sản lượng sản xuất đến nay đạt trên 90.000m3/năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang cho biết: “Năm 2021, ngoài việc kết nối thị trường truyền thống, công ty chú trọng khai thác thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngay từ đầu năm mới, công ty khởi động kết nối với các bạn hàng, liên kết chặt chẽ với người trồng rừng bảo đảm nguồn nguyên liệu hoạt động sản xuất hiệu quả. Công ty tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục để mở rộng quy mô nhà máy, ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh.
Năm 2021 dẫu còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhưng bằng nội lực và sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh thực hiện hoàn thành mục tiêu chung, góp phần đưa Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: