30/07/2021 10:18
Toàn huyện Kiên Lương có hơn 56ha trồng tiêu tập trung nhiều ở các xã: Bình An, Bình Trị và Dương Hòa. Thời điểm tiêu có giá, trung bình mỗi năm cây tiêu mang lại thu nhập cho người dân trên 70 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với lối canh tác theo kiểu truyền thống, chưa nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc cũng như trong cách bón phân, nguồn nước tưới cũng rất khan hiếm nên sản lượng thu hoạch đạt thấp. Mặc dù là cây trồng truyền thống có từ lâu đời nhưng so với hồ tiêu ở những khu vực lân cận, hồ tiêu tại huyện Kiên Lương chưa được các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng biết đến, giá tiêu lên xuống thất thường, nên có thời điểm người trồng tiêu không còn mặn mà với nghề này.
Anh Danh Thi, ngụ ấp Hòn Trẹm, xã Bình An cho biết gia đình anh có gần 500 bụi tiêu. Trước đây, tiêu có giá, người trồng có thu nhập khá. Mấy năm nay giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ dân trồng tiêu như gia đình anh không còn khả năng để tiếp tục chăm sóc cho vụ tiêu mới nên đành bỏ mặc. “Nhiều trụ tiêu không được chăm sóc nên chết khá nhiều”, anh Danh Thi nói.
Theo anh Tạ Văn Tắc, người trồng tiêu ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, giá tiêu xuống thấp, lại không có thương lái đến mua nên người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện người trồng tiêu tại ấp chỉ chăm sóc tiêu cầm chừng, vì bỏ thì không nỡ, mà tiếp tục đầu tư, chăm bón cho cây tiêu sẽ lỗ vốn. “Bà con trồng tiêu mong muốn ngành chức năng có giải pháp vực dậy nghề trồng tiêu của huyện, làm thế nào để thương hiệu hồ tiêu tại đây được nhiều người biết đến, có như thế giá tiêu mới tăng cao, người trồng tiêu mới có thu nhập ổn định”, anh Tạ Văn Tắc nói.
Theo ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa, để vực dậy nghề trồng tiêu, Hội Nông dân xã đang khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác trồng tiêu nhằm nâng cao năng suất và sản lượng của cây tiêu địa phương. Xã đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây tiêu Dương Hòa để quảng bá, giới thiệu hồ tiêu tại địa phương đến nhiều nơi trong và ngoài nước, nhằm giúp giá trị của hạt tiêu tại địa phương ngày càng nâng lên, người trồng tiêu có thu nhập ổn định từ ngành nghề này. “Tuy nhiên, về lâu dài rất cần ngành chức năng có biện pháp hiệu quả nhằm vực dậy, xây dựng thương hiệu hồ tiêu địa phương. Khi có được thương hiệu, cây hồ tiêu tại Kiên Lương mới có thể tiếp tục phát triển được”, ông Nam nói.
Anh Tạ Văn Tắc, ngụ ấp Tà Săng, xã Dương Hòa (Kiên Lương) chăm sóc vườn tiêu còn lại của gia đình.
Đồng chí Trần Bình Trọng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm hướng đi hiệu quả cho nghề trồng tiêu, những năm qua, huyện Kiên Lương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Năm 2015, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương triển khai thực hiện thí điểm dự án phát triển bền vững cây hồ tiêu tại xã Bình An. “Khi tham gia dự án này, người trồng tiêu được hướng dẫn các biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, để tăng năng suất, sản lượng cho cây tiêu”, đồng chí Trần Bình Trọng cho biết.
Theo đồng chí Trần Bình Trọng, huyện Kiên Lương phấn đấu đến năm 2023, hồ tiêu là một trong những sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. “Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ của huyện trong thời gian qua cũng như những định hướng thời gian tới, tin tưởng rằng đây sẽ là “chìa khóa” giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp hồ tiêu huyện Kiên Lương tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và cũng là cơ sở để bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống này ở địa phương”, đồng chí Trần Bình Trọng nói.
Bài và ảnh: VĂN PHỤNG
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: