28/04/2022 15:55
BƯỚC ĐI TÁO BẠO
Năm 2011, từ huyện Thoại Sơn (An Giang), ông Trần Văn Nguyên bán 5 công đất cạnh nhà, đưa vợ con đến ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình lập nghiệp. Ông Nguyên cho rằng thời điểm đó việc ông quyết định bán 5 công đất màu mỡ ở huyện Thoại Sơn để đến ấp Lung Lớn mua 30 công đất là bước đi tương đối mạo hiểm. “Lúc mới tới ấp Lung Lớn, vợ, con và người thân của tôi đều lắc đầu ngao ngán. Vì ở huyện Thoại Sơn đất tốt, trồng lúa hàng năm cho năng suất cao, ngược lại đất ấp Lung Lớn nhiễm phèn nặng và toàn năn mọc. Tôi liên tục động viên vợ con cố gắng vượt qua khó khăn, bởi thắng hay thất bại là do ý chí của mỗi người”, ông Nguyên kể.
Hai câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rất đúng nếu đem so sánh với ý chí và nghị lực của ông Nguyên. Từ 30 công đất kém màu mỡ, ông Nguyên đào mương cạnh bờ ruộng để xổ phèn thoát ra các kênh, rạch. Ông liên tục cải tạo đồng năn thành cánh đồng lúa tương đối phì nhiêu phù hợp trồng lúa 2 vụ. Hiệu quả sản xuất theo từng năm, ông Nguyên mua đất để tăng dần diện tích đất của gia đình lên 140 công.
Ông Trần Văn Nguyên (thứ hai, từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa DS1 Đài Loan mang lại hiệu quả nhiều năm qua với người dân và ban lãnh đạo ấp Lung Lớn.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là 4 yếu tố quan trọng để làm nên một vụ lúa bội thu. Khi đã hội tụ đủ 3 yếu tố đầu tiên, ông Nguyên tiếp tục tìm tòi các giống lúa phù hợp vùng đất địa phương, chất lượng và có giá trị kinh tế. Ông chọn giống lúa DS1 Đài Loan trồng toàn bộ trên 140 công đất. “Tôi đã áp dụng giống lúa này 5 năm nay và đã chứng minh là phù hợp vùng đất này và chống ngã đổ. Không những vậy, đây là giống lúa mà tôi được một doanh nghiệp ở An Giang ký hợp đồng tiêu thụ khi bước vào thu hoạch với giá bán khoảng 6.600 đồng/kg nên rất an tâm đầu ra”, ông Nguyên cho biết.
KINH NGHIỆM LÀM GIÀU
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm giàu, ông Trần Văn Nguyên nói: “Tôi nghĩ, nhờ tinh thần chịu khó, ham học hỏi và linh hoạt trong quá trình sản xuất”. Theo ông Nguyên, chịu khó ở đây là cải tạo đất từ cằn cỗi chuyển sang màu mỡ để sản suất thuận lợi. Ham học hỏi là tranh thủ học hỏi các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật để áp dụng trên đồng ruộng, nhằm giảm chi phí sản xuất mang lại hiệu quả. Nói về việc linh hoạt trong quá trình sản xuất, ông Nguyên cho rằng, nông dân giờ phải tuân thủ theo quy luật cung - cầu của thị trường, do vậy cần liên kết để có đầu ra ổn định, tránh trạng được mùa mất giá.
Ông Trần Văn Nguyên bên cạnh chiếc ô tô Toyota Fortuner trị giá cả tỷ đồng.
“Để trồng lúa mang lại lợi nhuận cần có diện tích tương đối lớn, không nên thuê đất của người khác. Thứ hai, người trồng lúa cần giảm mọi chi phí trong sản xuất, từ khâu chuẩn bị đất đến chăm sóc và thu hoạch. Người có vốn, đất sản xuất nhiều nên mua sắm thêm máy cày, gặt đập liên hợp để vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa làm dịch vụ cho người khác, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất và mang lại lợi nhuận”, ông Nguyên chia sẻ.
Từ 140 công đất và các máy cày, gặt đập liên hợp, những năm trước, gia đình ông Nguyên thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Vụ sản xuất 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của giá nhiên liệu, vật tư như xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, nhưng gia đình ông vẫn thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Lung Lớn cho biết: “Ông Nguyên là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Hiệu quả sản xuất và kinh nghiệm làm giàu của ông được nhiều hội viên học hỏi, áp dụng”.
Ít ai nghĩ rằng bên trong căn nhà lợp tole đơn sơ ở tổ 10, ấp Lung Lớn lại có một chiếc ô tô Toyota Fotuner trị giá cả tỷ đồng được mua từ thu nhập do chính sức lao động của ông Nguyên làm nên. Đây cũng là minh chứng cho việc làm và kinh nghiệm sản xuất thực tiễn của một tỷ phú chân đất, vươn lên từ vùng đất cằn cỗi, khó khăn.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: