22/02/2022 17:41
NHỮNG TÍN HIỆU LẠC QUAN
Năm 2021, ngành tôm nước lợ của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cước vận tải tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm mạnh, tình hình thời tiết diễn biến bất lợi cho người nuôi tôm. Trước những khó khăn, thử thách, lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nuôi tôm, từng bước đưa ngành tôm của tỉnh tăng tốc những tháng cuối năm, đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Kết thúc năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh vượt mốc 137.415ha, đạt 101,04% kế hoạch; sản lượng đạt 104.690 tấn tôm, đạt 106,83% kế hoạch; trong đó, tôm công nghiệp và bán công nghiệp sản lượng trên 36.370 tấn, tôm lúa 54.961 tấn, tôm quảng canh cải tiến 13.355 tấn.
Trên đà thắng lợi từ vụ tôm năm 2021, sang năm 2022, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ lên 140.630ha, phấn đấu gia tăng sản lượng lên 108.500 tấn trong năm 2022. Từ trước Tết Nguyên đán năm 2022 đến nay, thị trường tôm nguyên liệu đang dần khôi phục, nhu cầu thu mua tôm phục vụ chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp tăng nên giá tôm nguyên liệu tăng trở lại. Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường tôm, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tất bật chuẩn bị cho vụ nuôi mới với nhiều kỳ vọng vụ mùa tôm trúng mùa được giá.
Tại các huyện vùng U Minh Thượng, nông dân thu hoạch hoàn tất vụ lúa mùa trên nền đất tôm, tiến hành nạo vét kênh, mương, cải tạo đất, tạt vôi, bơm nước vào ruộng, xử lý nước để chuẩn bị thả giống tôm. Theo kế hoạch, năm 2022, vùng U Minh Thượng dự kiến thả nuôi tôm lúa tăng lên 107.600ha. Ông Đoàn Thanh Tân, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A (An Biên) chia sẻ: “Tôi thu hoạch xong vụ lúa mùa từ trước tết, sau đó tiến hành lấy nước mặn vào ruộng, thả tôm giống. Hiện tại thời tiết rất thuận lợi, tôm phát triển tốt, chưa xảy ra dịch bệnh. Hy vọng vụ tôm năm nay sẽ suôn sẻ, được mùa trúng giá”.
Nhân công chài mẫu tôm, kiểm tra chất lượng tôm nuôi tại khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF, xã Dương Hòa (Kiên Lương).
Huyện Kiên Lương là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện bắt đầu khôi phục sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp đã tiến hành thả giống tôm cho vụ nuôi mới. Ông Lê Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Trung Sơn cho biết: “Đến tháng 2-2022, các khu nuôi tôm của công ty cơ bản hoạt động ổn đinh, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến đến hết quý I-2022 công ty thu hoạch trên 1.100 tấn tôm”.
GIẢI PHÁP ĐỂ BỨT PHÁ
Theo đồng chí Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai tháng đầu năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang từng bước được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới. Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại, chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản được phục hồi, thị trường tiêu thụ hoạt động mạnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 sản lượng tôm nước lợ của tỉnh cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm cần theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, hạn hán, mặn xâm nhập, môi trường nước ngay từ đầu vụ, tổ chức chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, ứng dụng kỹ thuật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến độ phát triển nuôi tôm công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nuôi tôm nước lợ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch, phòng chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trên tôm nuôi. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp; triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là chính sách phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản phẩm vật tư đầu vào, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ tôm.
Với những tín hiệu lạc quan từ thị trường tôm nguyên liệu, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát cộng với quyết tâm, nỗ lực của sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân, tin rằng ngành tôm sẽ gặt hái những thắng lợi mới trong năm 2022.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: