02/03/2023 21:43
Quang cảnh hội thảo đánh giá kết quả vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được tổ chức tại UBND tỉnh Kiên Giang chiều 2-3.
5 tỉnh nằm trong vùng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Sau gần 2 năm vận hành, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cơ bản kiểm soát nguồn nước theo đúng mục tiêu và nhiệm vụ của dự án là: Kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng cho người dân trong vùng hưởng lợi.
Tại Kiên Giang, từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động cơ bản kiểm soát được nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Tỉnh không phải đắp đập tạm qua 2 mùa khô 2021-2022 và 2022-2023, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Tại Bạc Liêu, công trình đã góp phần kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Tây, tăng thêm nguồn nước ngọt sông Hậu về các vùng giữ ngọt, nhất là khu vực phía bắc trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp của tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu ở bắc quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Ông Đặng Ngọc Giao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No, hệ thống đê ngăn mặn TP. Vị Thanh - Long Mỹ đã giúp tỉnh Hậu Giang điều tiết nguồn nước cơ bản đáp ứng tốt cho mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt lợ. Từ mùa khô 2021 đến nay, khu vực Long Mỹ không ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định, sau khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động đến nay đã tạo điều kiện giúp người dân an tâm sản xuất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ hai, từ phải qua) khảo sát thực tế tình hình nguồn nước tại địa bàn xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang).
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn tồn tại một số vấn đề. Tại Kiên Giang, phía hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé chưa đảm bảo kỹ thuật, thường xuyên bị nước tràn qua khi triều cường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, trong thời gian trước khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé và hiện nay, tại một số khu vực hạ lưu cống bị trũng thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Hiện Kiên Giang thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng công trình chống ngập vùng hạ lưu sông Cái Lớn, Cái Bé từ nguồn ngân sách tỉnh, bao gồm xây dựng cống trên địa bàn hai huyện Châu Thành, An Biên, 26,77km đê bao, tổng vốn đầu tư 199 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thủy lợi phối hợp các đơn vị tư vấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam, các địa phương tính toán lại quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Cụ thể, nghiên cứu từng vùng sản xuất, xem xét tính toán bổ sung số lượng vị trí các trạm khống chế vận hành kiểm soát mặn, để các địa phương chủ động trong chỉ đạo sản xuất; nghiên cứu phương án kiểm soát triều cường, bổ sung vào quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Đối với các tỉnh trong vùng hưởng lợi, trên cơ sở quy hoạch tỉnh, các địa phương tập trung quy hoạch sản xuất và đầu tư hạ tầng. Đối với những vùng mà hệ thống thủy lợi không thể cung cấp nước ngọt hoặc nước mặn thì chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, tái cơ cấu nông nghiệp hợp lý. Các địa phương cần tính toán chỉ đạo dịch chuyển thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đảm bảo sản lượng.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thủy lợi, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cùng các địa phương hưởng lợi soạn thảo quy chế phối hợp quy trình vận hành sớm ban hành trong quý II -2023. Song song đó, tăng cường công tác truyền thông rộng rãi đến người dân về chức năng nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi này, dự báo khí tượng thủy văn, lịch vận hành hệ thống cống, lịch thời vụ sản xuất.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: