08/04/2021 16:03
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG GẠO XUẤT KHẨU
Theo Sở Công thương Kiên Giang, hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng đầu cả tỉnh trong tháng 3-2021 là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC).
Ông Nguyễn Thanh Tung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị KTC cho biết: “Ngay từ cuối năm 2020, chúng tôi dự đoán được tình hình xuất khẩu gạo năm 2021 khả quan. Từ nhận định đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác đặt hàng, xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua lúa tạm trữ để chủ động nguồn hàng. Ngoài các thị trường truyền thống, công ty tích cực phát triển thêm nhiều thị trường mới”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tung, trong điều kiện xuất khẩu có dấu hiệu khả quan như hiện nay, để tăng giá trị các mặt hàng gạo xuất khẩu, KTC chú trọng nâng cao chất lượng, thương hiệu. Lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi nhiều nước trên thế giới tham gia xuất khẩu gạo số lượng lớn. Sự cạnh tranh về chất lượng và giá từ các nước xuất khẩu gạo mới nổi như Pakistan, Campuchia cũng như lượng gạo dồi dào với chất lượng cao của Ấn Độ tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh. Ngày nay, người tiêu dùng trên thế giới chú trọng hơn nguồn cung cấp thực phẩm an toàn.
Công nhân Nhà máy xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu Giồng Riềng thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang đang chỉnh các thông số kỹ thuật trong xay xát lau bóng gạo.
Nhận thấy tình hình trên, ngay từ đầu năm 2021, hội đồng thành viên và ban tổng giám đốc KTC đàm phán các giải pháp thực hiện bao tiêu sản phẩm, tăng cường marketing, nâng cấp nhà xưởng, đào tạo cán bộ kỹ thuật, áp dụng chương trình HACPP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và chương trình ISO nhằm nâng chất lượng hạt gạo, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng và thâm nhập thị trường khó tính chuyên biệt.
Hiện KTC được Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công nhận là một trong 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong cả nước có sản phẩm gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc này tạo tiền đề phát triển về chất lượng gạo trong sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo của KTC.
ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ
Theo đồng chí Lư Văn Còn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu như hỗ trợ vốn sản xuất, nguồn nguyên liệu, công nhân, lao động, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm và quan hệ đối tác khách hàng. Các doanh nghiệp củng cố thị trường truyền thống, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa.
Tiếp đến, tỉnh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, tranh thủ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); thực hiện cơ chế thuế tối huệ quốc (MFN) của Vương quốc Anh hậu Brexit; cung cấp thông tin về xuất khẩu sang thị trường Halal thế giới; triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; cung cấp thông tin giá cả và tình hình thị trường trên thế giới cho các doanh nghiệp để định hướng, chủ động trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Kiên Giang hiện xuất khẩu gạo sang gần 40 quốc gia trên thế giới, các thị trường trọng điểm, truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, các nước châu Âu, châu Phi… Ngoài các thị trường truyền thống, thị trường mới như Bangladesh cũng tăng sản lượng nhập khẩu gạo của tỉnh. Tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 23,27 triệu đô la Mỹ (USD), tăng 82,37% so tháng 2-2021.
Tuy nhiên, theo đồng chí Lư Văn Còn, mặc dù tình hình xuất khẩu gạo của tỉnh có tín hiệu khả quan trong tháng 3, nhưng nhìn chung quý I-2021 kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 42,3 triệu USD, giảm 25,67% so cùng kỳ năm 2020.
Theo đồng chí Lư Văn Còn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 36 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nông sản chiếm 60%, nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản. |
Dự báo tình hình xuất khẩu thời gian tới tiếp tục đối mặt khó khăn, thách thức và bất lợi do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số nước trên thế giới tái áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh làm hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, các doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng mới.
Do đó, thời gian tới, đồng chí Lư Văn Còn kiến nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về vốn, nguồn nguyên liệu, lao động. Các doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến để chế biến sản phẩm tinh sâu, mẫu mã đa dạng, gia tăng giá trị hàng hóa và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: