15/06/2021 09:11
Năm 2016, gia đình anh Phạm Vũ Hên thuộc diện hộ nghèo. Chỉ có 2 công đất ruộng, anh Hên phải đi vác vật liệu xây dựng thuê để kiếm tiền lo cho vợ, 3 con nhỏ và người cha lớn tuổi, vì vậy cuộc sống rất chật vật.
Khi các con dần lớn lên, vợ chồng anh Hên đi làm thuê, đời sống kinh tế dần cải thiện. Vợ chồng anh dành dụm nuôi thêm mấy con heo, nhưng do dịch bệnh nên thiệt hại cả đàn. Không bỏ cuộc, anh Hên nghĩ đến việc sử dụng nguồn cỏ mọc ngoài đồng làm thức ăn chăn nuôi.
Trâu là vật nuôi được anh chọn vì sẵn có nguồn cỏ, trâu lại dễ chăm sóc, ít bệnh và có đầu ra ổn định. Lúc ấy ở xã Hòa Chánh chưa thấy ai nuôi trâu nên anh Hên lên tận xã biên giới Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) để mua trâu giá rẻ từ 11-12 triệu đồng/con. Qua khoảng 1 năm nuôi, anh bán ra thị trường khoảng 30 triệu đồng/con trâu, tùy tình hình thị trường và độ lớn của trâu. Nhờ nguồn lãi từ nuôi trâu giúp anh vươn lên thoát nghèo năm 2018.
Từ 1-2 con trâu ban đầu, với mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh Phạm Vũ Hên được vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện U Minh Thượng vào tháng 3-2020. Từ số tiền này, anh mua thêm trâu về nuôi và cất chuồng trại. Trước đây, anh Hên nuôi trâu bằng chuồng nền đất và đào vũng nước cho trâu nằm. Lâu ngày, đất bị mềm do đọng nước và sức nặng của trâu gây sạt lở chuồng.
Anh Phạm Vũ Hên cho trâu ăn mỗi ngày 2 cữ sáng và chiều.
Anh Hên nói: “Tôi xây chuồng mới với nền xi măng, vệ sinh và tắm cho trâu 3-4 lần/ngày. Việc thay từ nền đất sang nền xi măng và vệ sinh chuồng thường xuyên làm giảm mùi hôi. Tôi còn xây hầm chứa phân, xử lý chuồng nuôi bằng dung dịch sát trùng”.
Đối với trâu nghé, anh Hên được cán bộ thú y xã hỗ trợ khử trùng, tiêm phòng và sổ giun cho đàn trâu nên trâu khỏe mạnh. Mỗi ngày, anh cho trâu ăn 2 cữ sáng, chiều với khoảng 600kg cỏ. Không có đất chăn thả, anh Hên ra đồng cắt cỏ và trồng thêm cỏ cho trâu ăn.
Thời điểm anh Hên nuôi trâu nhiều nhất lên đến 18 con, hiện nay anh còn nuôi 13 con. Bình quân mỗi năm anh bán ra thị trường từ 7-8 con trâu, giá 25-30 triệu đồng/con. Trừ chi phí, anh lãi khoảng 100 triệu đồng từ bán trâu.
“Số tiền này đối với nhiều người tuy không lớn, nhưng đối với gia đình tôi là rất lớn. Đây là nguồn vốn để chúng tôi vươn lên. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư nuôi trâu vì thấy nhẹ chi phí, ít công chăm sóc, đầu ra dễ. Tôi mong muốn thuê được diện tích đất rộng để nuôi trâu bán chăn thả”, anh Hên chia sẻ.
Vợ chồng anh Hên được nhiều người trong ấp Chống Mỹ biết đến về tinh thần chịu khó vươn lên. Ban ngày vợ chồng anh đi vác vật liệu xây dựng cho doanh nghiệp ở gần nhà, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tối về, anh đi cắt cỏ, có hôm cắt đến 23 giờ mới xong. Nhưng hôm đi vác vật liệu xây dựng về trễ, anh Hên phải thức dậy từ 3 giờ sáng đi cắt cỏ rồi đến 6 giờ về nhà chuẩn bị đi làm.
Ông Lê Hoàng Dũng - tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Chống Mỹ nói: “Gia đình anh Hên chỉ có 2 công đất, nếu chỉ làm ruộng thì rất khó ổn định cuộc sống. Vợ chồng anh Hên chí thú làm ăn, mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi trâu và đạt hiệu quả cao, là điển hình trong tổ nhân dân tự quản số 4 về tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững, dần ổn định đời sống”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH - YẾN NGỌC
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: