24/11/2022 07:56
Hơn 1 tháng qua, ngoài nhắn tin nhờ bàn bè, người thân rao bán hộ miếng đất, chị Tr.B.Y, ngụ thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) liên tục đăng thông tin trên trang cá nhân nhưng vẫn chưa bán được. Mảnh đất hơn 800m2, trong đó có 100m2 đã được đăng ký lên thổ cư, nằm cách sân vận động huyện Giồng Riềng chưa được 1km.
Cuối năm 2021, chị Y mua miếng đất trên với giá 1 tỷ đồng, dự tính giữ lại từ 6 tháng đến 1 năm sẽ bán lại cho người dân địa phương có nhu cầu mở quán hoặc xây biệt thự sân vườn ở để kiếm lời.
“Tôi kêu bán lỗ vốn luôn mà vẫn không ai mua. Sáng nào cũng mở điện thoại xem, thấy lãi suất vay ngân hàng cứ tăng liên tục mà rối bời. Thời buổi mua bán khó khăn, thu nhập của chồng tôi giảm từ 13 triệu đồng/tháng, còn 5 triệu đồng/tháng. Anh mới té xe gãy tay vẫn chưa lành, nhưng phải ráng chạy xe đi làm để có thu nhập đóng lãi ngân hàng. Vay 600 triệu đồng ngân hàng để mua đất, mỗi tháng trả gốc lẫn lãi hơn 7 triệu đồng”, chị Y nói.
Thửa đất hơn 800m2 của chị Tr.B.Y, ngụ thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) rao bán mấy tháng nay vẫn chưa có người mua.
Nhiều người cho rằng, lãi suất cho vay tăng đã và đang gây áp lực không nhỏ lên thị trường bất động sản. Cách đây 1 năm, lãi suất cho vay mua bất động sản ở mức từ 7,5%/năm, nay lên ngưỡng 10-12%/năm. Thực tế này khiến các nhà đầu tư đang bị “mắc kẹt” trong việc vay vốn đầu tư bất động sản, nếu tiếp tục vay thì chi phí vốn tăng rất cao, muốn bán nhưng lại không thể bán được.
Dành dụm được 2 tỷ đồng, chị N.T.T, ngụ đường Lâm Quang Ky, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đầu tư mua đất với hy vọng sinh lời.
“Hai năm trước tôi vay ngân hàng 2 tỷ đồng để mua đất. Nghe ai nói khu nào có tiềm năng, tôi sẽ mua, vì sợ đắn đo sẽ bỏ lỡ cơ hội. Giờ thị trường bất động sản trầm lắng, đất cần bán không bán được trong khi hết ân hạn lãi suất nên phải cố bán tháo, được mảnh nào hay mảnh đó nhằm giảm áp lực lãi suất mỗi tháng mấy chục triệu đồng”, chị T chia sẻ.
Vốn rất thận trọng nhưng chị T vẫn phải thừa nhận rằng chị đã quá chủ quan khi chạy theo “cơn sốt” đất. Chị không có nhiều hiểu biết về phân khúc đất vườn, đất nông nghiệp nhưng thấy bạn bè thu lời khủng nên cũng muốn thử. Chị nghe nhiều người khuyên đầu tư vào đất vườn nếu để không vẫn có thể cho thuê khai thác, hoặc trồng cây ăn quả kiếm tiền thụ động. Chỉ cần kiên nhẫn sẽ có lãi vì đất ngày càng tăng giá.
Thế nhưng, khi đưa đất vào sử dụng, chị T tốn không ít thời gian và tiền bạc. Thời gian đầu, chị thuê người trồng cây, đến khi hết vốn đành tạm ngưng để dành tiền cân đối các khoản chi quan trọng hơn.
Hiện thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khá trầm lắng.
Theo các nhà đầu tư bất động sản, từ khoảng tháng 5-2022, thị trường mua bán đất nền tại Kiên Giang có dấu hiệu chững lại, phân khúc đất nền trước đây từng mang lại lợi nhuận cho không ít người nay chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều chủ đầu tư không còn cách nào khác phải rao bán lỗ, tuy nhiên không dễ bán được.
Hiện trên mạng xã hội, nhiều trang mua bán bất động sản liên tục đăng tin rao bán nhà, đất với giá “ngộp” hoặc kèm thông tin khuyến mãi như bán đất tặng bản vẽ, mua nhà tặng nội thất… nhưng rất ít người hỏi mua.
Hiện lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng đang ở mức cao. Đối với kỳ hạn từ 6 tháng, lãi suất tiền gửi tăng lên mức 10-10,5%/năm, khiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính chuyển hướng đầu tư từ bất động sản sang gửi tiết kiệm.
Ông Trần Văn Nam, ngụ đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá nói: “Tôi thấy lúc này gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất sẽ an toàn hơn đầu tư vào bất động sản. Gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng, qua tết tôi nhận được lãi suất ít nhất 50 triệu đồng, vừa nhàn, vừa an toàn, khỏi lo lỗ vốn”.
Tin và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so cùng kỳ năm trước.
Tổng số lượt truy cập: