18/05/2020 10:37
NHIỀU KHÓ KHĂN KHI TÁI ĐÀN
Hiện tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh ổn định, không còn phát sinh ổ dịch mới. Ngày 28-4, Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Sau khi hết dịch, nhiều địa phương bắt đầu thực hiện tái đàn heo. Tuy nhiên, công tác tái đàn heo gặp nhiều khó khăn, tiến độ tái đàn trong hộ chăn nuôi chậm. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến cuối tháng 4-2020, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh còn 147.196 con, trong đó 12.807 con heo nái sinh sản, 14.202 con heo nái sinh sản, 41.960 heo con theo mẹ, 110 con heo đực sinh sản, 78.117 con heo thịt.
Đồng chí Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hiện số hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn mới ít, một số hộ giữ được con nái, số lượng heo con giống còn lại may mắn không bị dịch bệnh, họ giữ lại nuôi tiếp. Còn hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bằng việc sửa chuồng trại, mua con giống mới có ít. Nguyên nhân do thị trường con giống khan hiếm, nguồn cung trong tỉnh không đủ đáp ứng yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, giá con giống từ 2,2 - 3 triệu đồng/con, người dân không đủ tài chính để tái đàn heo”.
Theo đồng chí Ngô Đình Thức - Giám đốc Trung tâm Giống Nông lâm ngư nghiệp tỉnh, hiện trung tâm đang lập phương án tái đàn trở lại đối với trang trại heo giống tại huyện Hòn Đất, dự kiến nhập khoảng 100 con giống cấp ông, bà để phục vụ tái đàn, chậm nhất quý III-2020 mới có thể triển khai tái đàn và đến đầu năm 2021, trung tâm mới có thể cung cấp giống ra thị trường.
Một vấn đề khác ảnh hưởng tới tiến độ tái đàn là mầm bệnh dịch tả heo châu Phi ngoài môi trường nhiều, nếu hộ chăn nuôi không đáp ứng được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chuồng trại khép kín sẽ dễ bùng phát dịch trở lại, gây hậu quả nặng nề cho người dân. Nhiều hộ dân tái đàn nhưng vẫn lo sợ. Bà La Thị Sáu ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên (An Biên) cho biết: “Mặc dù Nhà nước khuyến khích người dân tái đàn heo nhưng tôi chưa nuôi nhiều, tôi chỉ nuôi 2 - 3 con vì chi phí đầu tư cao trong khi rủi ro nhiều”.
GIẢI PHÁP GỠ KHÓ
Đề cập tới vấn đề tháo gỡ khó khăn trong việc tái đàn heo, đồng chí Nguyễn Thành Đức cho biết, tất cả các cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi đều từ Trung ương. Do đó, hiện Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nếu như dịch bệnh có thể bùng phát trở lại khi tái đàn năm 2020, điều này chưa tạo được tâm lý yên tâm cho người dân khi thực hiện tái đàn trong điều kiện dịch bệnh còn tiềm ẩn. Vì vậy, tỉnh mong Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để người dân an tâm tái đàn heo.
Bên cạnh đó, để thực hiện tái đàn nhanh, an toàn, thời gian tới, Trung ương, tỉnh tạo điều kiện để các trang trại, hộ chăn nuôi tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ đang áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, tiếp cận tín dụng để xây dựng trang trại quy mô lớn, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở nắm tình hình tái đàn trong các hộ chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Con giống là khâu then chốt để đẩy mạnh tái đàn. Để giải quyết vấn đề khan hiếm giống heo, đồng chí Ngô Đình Thức thông tin, trung tâm kiến nghị tỉnh kịp thời cung cấp kinh phí để đẩy nhanh tiến độ tái đàn heo giống, giải pháp trước mắt trung tâm rà soát lại các cơ sở chăn nuôi nhân giống heo tại các địa phương để cung cấp địa chỉ mua giống tin cậy cho người dân.
THÙY TRANG
(KGO) - Hơn 300 sản OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang trưng bày tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ ngày 6 đến 15-9.
Tổng số lượt truy cập: