01/11/2024 10:48
ĐỘT PHÁ TỪ KINH TẾ TẬP THỂ
Là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng kinh tế tập thể của tỉnh, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng (Châu Thành) đem về lợi nhuận bình quân 80 triệu đồng/ha/năm cho thành viên, cao hơn so ngoài hợp tác xã từ 20-25 triệu đồng/ha/năm. Bí quyết của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng là tổ chức đấu thầu để thuê được máy cày, xới đất, máy cắt lúa và bán đồng vịt với giá có lợi nhất cho nông dân. Mỗi lần đấu thầu sẽ mời doanh nghiệp, thương lái để đấu thầu dưới sự chứng kiến của thành viên hợp tác xã.
“Để phát huy tính dân chủ, các chủ máy làm đất, thu hoạch hoặc doanh nghiệp mua lúa đều được mời đến để tham gia đấu thầu. Chủ máy, doanh nghiệp nào đưa ra mức giá có lợi nhất cho thành viên sẽ trúng thầu. Hợp đồng được ký kết, trong vòng ba ngày phải xong toàn bộ cánh đồng để người dân kịp xuống giống. Nhờ đó đã không còn cảnh chèn ép, đợi chờ khâu làm đất, giúp tiết kiệm được công sức và chi phí cũng rẻ hơn bên ngoài khoảng 300.000 đồng/ha”, ông Lê Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng nói.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng thu hoạch lúa hè thu 2024.
Yếu tố giúp lúa hàng hóa của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng luôn bán được giá cao hơn giá thị trường từ 100-150 đồng/kg là do lúa được thu hoạch đồng loạt, cùng làm một loại giống, lại có ban giám đốc xông xáo, trách nhiệm giúp thu mua nhanh chóng, thuận lợi. Việc trả lương cho ban quản trị, trích quỹ và chia lợi nhuận cho thành viên được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Thấy làm ăn tập thể hiệu quả, hợp tác xã từ 29 thành viên với 60ha năm 2011 nay tăng lên 325 thành viên và 520ha. Vốn điều lệ hợp tác xã từ 50 triệu đồng giờ là 1,1 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 6 tỷ đồng. Cũng nhờ tư duy thay đổi, 95% đồng bào dân tộc Khmer trong hợp tác xã đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, hộ giàu. Thành viên hợp tác xã được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp.
TRỢ LỰC ĐỂ NÂNG CHẤT
Cùng với lúa, khóm là cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành được trồng tập trung tại các xã Bình An, Minh Hòa với thương hiệu khóm Tắc Cậu. Năm 2021, huyện triển khai kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp, đất vườn tạp sang trồng khóm với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Đến cuối năm 2023, toàn huyện chuyển đổi được hơn 80ha, nâng diện tích khóm toàn huyện hiện có 2.014ha, đạt 100,7% chỉ tiêu nghị quyết, trong đó có 350ha được chứng nhận VietGAP.
Nhờ tiêu thụ thuận lợi và bán được giá cao nên ngoài việc mở rộng diện tích, người dân còn tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác khóm, giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 70 triệu đồng/ha/năm lên 90 triệu đồng/ha/năm. Ông Dư Văn Thái, ngụ ấp An Lạc, xã Bình An (Châu Thành) nói: “Ngoài đầu tư hệ thống tưới tự động cho 2ha khóm - cau - dừa, tôi còn tự ủ phân hữu cơ từ tàu cau, tàu dừa trong vườn, giúp giảm chi phí phân bón hóa học và khóm cũng xanh tốt, ít sâu bệnh, chất lượng trái cũng đạt hơn, bán được giá hơn”. Bình quân mỗi năm ông Thái bán khóm, cau, dừa thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.
Người dân ấp An Lạc, xã Bình An (Châu Thành) thu hoạch khóm Tắc Cậu.
Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Châu Thành có chủ trương khuyến khích trồng xen cây màu trên đất lúa, vận động những hộ có diện tích dưới 0,3ha và đất vườn tạp không hiệu quả chuyển sang trồng màu. Đến nay toàn huyện có 300ha rau màu, đạt 79% chỉ tiêu nghị quyết.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Mong Thọ B Võ Thị Bích Dung nói: “Ngoài vận động người dân tận dụng đất trống quanh nhà, vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả để trồng rau màu, xã còn thành lập được tổ hợp tác trồng màu ấp Phước Lợi, với 16 thành viên, diện tích 3,8ha chuyên trồng cải xanh, xà lách, rau muống cung ứng cho chợ xã và chợ Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá). Nhờ trồng tập trung nên thương lái thu mua ổn định, giúp người dân có lợi nhuận từ 5-9 triệu đồng/hộ/tháng, cao hơn khoảng 20% so với trồng lúa”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: