06/04/2023 15:27
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo của Việt Nam chiếm đến 48% lượng phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm, sản xuất lúa sẽ thải ra môi trường khoảng 50 triệu tấn khí nhà kính.
Việc canh tác liên tục thời gian dài, sử dụng phân bón hóa học quá liều lượng, tưới tiêu quá độ là một trong những nguyên nhân khiến canh tác lúa trở nên kém hiệu quả, gây sản sinh lượng lớn khí nhà kính.
Để hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC) đã đưa nhiều gói giải pháp giúp nông dân chuyển đổi sản xuất một cách phù hợp và bền vững. Trong đó, mô hình sản xuất lúa bền vững chuẩn SRP được triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân.
Nông dân được cán bộ khuyến nông tập huấn các quy trình sản xuất lúa chuẩn SRP, sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, quản lý nước theo phương pháp ngập - khô xen kẽ, chủ động thu gom rơm rạ. Cùng với đó, giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế từ 30-50% phân bón hóa học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là ở giai đoạn đầu của cây lúa cho đến đẻ nhánh.
Đồng thời, nông dân phải tuân thủ các nguyên tắc “1 phải, 5 giảm”, “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”; thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng ngừa sâu bệnh, kết hợp ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Theo đánh giá của nông dân tham gia mô hình, việc áp dụng mô hình sản xuất lúa bền vững chuẩn SRP đã mang lại hiệu quả cao giúp tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30% so với sản xuất lúa truyền thống do giảm đáng kể lượng phân bón hóa học, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, cho năng suất cao.
Cán bộ khuyến nông cùng nông dân xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thăm cánh đồng ứng dụng mô hình sản xuất lúa bền vững chuẩn SRP.
Vụ lúa đông xuân 2022-2023, Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) có 10ha thí điểm áp dụng mô hình sản xuất lúa bền vững theo chuẩn SRP. Kết quả cho thấy, ở thời điểm chuẩn bị thu hoạch, trà lúa vụ đông xuân canh tác bền vững SRP có năng suất lên đến gần 10 tấn/ha; cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với diện tích ngoài mô hình; chi phí giảm đến 3,3 triệu đồng/ha, tổng lợi nhuận có thể tăng 15%, tương đương 5 triệu đồng/ha.
Theo ông Đỗ Văn Luông - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5A, trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân không ổn định, khi mô hình sản xuất lúa bền vững theo chuẩn SRP được triển khai, nông dân trong hợp tác xã phấn khởi tích cực đăng ký tham gia.
"Có thể thấy được kết quả khả quan từ mô hình đem lại chính là năng suất lúa vụ đông xuân đạt bình quân trên 8 tấn/ha, giảm 50% lượng phân bón hóa học thay thế bằng phân hữu cơ, giảm 50% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại. Diện tích lúa này cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn SRP đủ điều kiện để xuất sang những thị trường khó tính nhất”, ông Luông nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang Lê Văn Dũng, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP gồm 41 tiêu chí, 12 chỉ số đánh giá liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm…
Việc sản xuất theo tiêu chuẩn SRP đã giúp nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống, áp dụng tổng hợp tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Tại Kiên Giang, đa số nông dân tham gia mô hình được đánh giá bộ tiêu chuẩn SRP đạt trên 80 điểm.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tiếp tục lựa chọn, nhân rộng mô hình đến các địa bàn chuyên canh sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước hướng tới sản xuất lúa an toàn, bền vững cho môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: