04/10/2021 15:37
Đan cỏ bàng là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng biên giới huyện Giang Thành. Hầu hết các mẹ, các chị người Khmer ở Phú Mỹ đều biết đan cỏ bàng để tạo ra các sản phẩm dùng cho sinh hoạt hàng ngày như đệm, nóp, nón...Các sản phẩm này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer miền biên viễn.
Theo người dân Phú Mỹ, cứ hai ngày một lần, từ 3 giờ sáng, người dân bắt đầu đi nhổ cỏ bàng đến 9, 10 giờ sáng. Cỏ bàng khi mang về còn phải trải qua các công đoạn như phơi, ép, nhuộm màu trước khi đan. Công việc đan lát các sản phẩm từ cỏ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, do vậy phụ nữ và trẻ em thường làm công việc này.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng được trưng bày tại Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: BẢO TRÂN
Theo ông Lý Hoàng Bảo - Giám đốc Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, trước kia các hộ dân xã Phú Mỹ chủ yếu dùng cỏ bàng để đan đệm, túi; khai thác và sản xuất nhỏ lẻ, giá trị kinh tế mang lại không cao. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của cây cỏ bàng, cấp ủy, chính quyền xã Phú Mỹ đã thành lập Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ nhằm hướng dẫn, dạy nghề đan giỏ bàng giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Theo xu thế của thị trường và được hỗ trợ dạy nghề nên người dân biết đan rất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng như túi thời trang, đồ gia dụng, chiếu, nệm, nón, giỏ xách, bao bì... Tất cả các sản phẩm này đều được thị trường đón nhận tích cực.
Ông Lý Hoàng Bảo cho biết: "Năm 2020, khi tham gia chương trình OCOP, Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ có 3 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt 4 sao gồm túi xách cỏ bàng, sọt cỏ bàng và tụng bụng phình. Việc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt 4 sao cũng góp phần tạo đà cho hợp tác xã tiếp tục phát triển hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống; khơi dậy khả năng sáng tạo của thành viên; mở rộng thị trường, tiếp cận các khách hàng tiềm năng”.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng được trưng bày, giới thiệu tại TP. Phú Quốc. Ảnh: BẢO TRÂN
Theo Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, cỏ bàng được thu hoạch, xử lý hoàn toàn tự nhiên, sấy khô ở nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất, hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm từ cỏ bàng giúp bảo vệ môi trường và được sử dụng như phân hữu cơ sau khi phân hủy. Quy trình thu hoạch và sản xuất cỏ bàng không ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái nhờ việc hợp tác xã kết hợp cùng địa phương trồng và bảo tồn diện tích cỏ bàng có sẵn như chú trọng đầu tư phân bón, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hoạch đúng cách (nhổ cả cây chứ không cắt) để cỏ bàng không bị kiệt quệ… Sau khi phơi khô, người dân lựa chọn những cọng cỏ bàng đều nhau đưa vào máy ép, sau đó nhuộm màu, phơi khô trước khi đan.
“Với đặc tính chống ẩm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè, đặc biệt có thể thay thế một số sản phẩm nhựa góp phần bảo vệ môi trường, các sản phẩm làm từ cỏ bàng đang được nhiều người ưa chuộng. Hiện hợp tác xã đang tập trung vào các dòng sản phẩm hữu dụng như giỏ đựng bình giữ nhiệt, nệm em bé, đệm văn phòng, túi xách... bằng cỏ bàng, không sơn màu hay xử lý bảo quản để chinh phục thị trường nước ngoài”, ông Lý Hoàng Bảo nói.
Mỗi năm Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ tiêu thụ khoảng 20.000 - 60.000 sản phẩm, xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc; trong nước có TP. Hồ Chí Minh, TP. Phú Quốc, một số điểm du lịch trong khu vực Nam bộ... Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nhằm ổn định đầu ra; đổi mới mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng, khai thác có hiệu quả diện tích đồng cỏ bàng tự nhiên, từng bước nâng cao giá trị của cây cỏ bàng góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống của địa phương. Riêng về 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2020, hợp tác xã đã hoàn tất hồ sơ đăng ký chuẩn 5 sao trong năm 2021.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng. Ảnh: BẢO TRÂN
Thêm tín hiệu vui đối với người dân làm nghề đan cỏ bàng xã Phú Mỹ, giai đoạn 2021-2025, nghề này được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện bảo tồn, phát triển bền vững gắn với các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân…
TRUNG HIẾU - BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: