02/02/2024 07:52
(KGO) - Những người bạn xa khi đến TP. Rạch Giá đều nằng nặc đòi đi tham quan khu lấn biển. Bạn nhận xét, Kiên Giang hiện tại khá nổi tiếng với Phú Quốc, Hà Tiên và Rạch Giá. Phú Quốc, Hà Tiên là những địa danh du lịch hấp dẫn, còn với Rạch Giá nhờ những dự án lấn biển mà nổi danh. Có người còn gọi Rạch Giá là thành phố bên bờ biển Tây.
Tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Rạch Giá, tôi tiếp cận khá nhiều tài liệu và gần như tất cả đều có chung quan điểm về tên gọi. Rạch Giá được hình thành từ một cù lao nằm ven biển mà ở đó có nhiều cây giá. Cù lao này được 2 dòng nước ăn thông với nhau và chạy gần như song song ôm lấy.
Theo tập tục của con người nơi nào có dòng nước tự nhiên sẽ có sự sống và dân cư cũng từ từ đông dần lên. Những người đến định cư trước đã đặt tên cho khu vực này là cù lao Giá. Con rạch bám riết cù lao cũng được gọi là rạch Cây Giá. Rồi dần tỉnh lỵ Rạch Giá đã thành lập trên đất cù lao này nên được đặt tên là Rạch Giá.
Một số hình ảnh về Rạch Giá xưa. Nguồn: Internet
Tôi chính thức là cư dân của Rạch Giá vào năm 1984, lúc đó tôi mới 9 tuổi. Gia đình tôi sống ở khóm Hòa An, thuộc xã An Hòa, nơi đây còn gọi là Chợ Giữa, ngày nay là khu phố 3, phường An Bình. Thời đó, Rạch Giá là thị xã, đô thị loại IV còn khá hoang sơ. Cả thị xã chưa có công trình nào lớn xây mới, đường sá chật hẹp và chỉ có vài con đường.
Mãi đến thập niên 90 của thế kỷ 20, Rạch Giá có sự đổi thay khi một số công trình như Nhà văn hóa tỉnh, Công viên Tỉnh ủy, Sân vận động tỉnh và Trung tâm thương mại 30-4 được xây dựng; một vài con đường như Nguyễn Trung Trực, Trần Phú được nâng cấp mở rộng và đây cũng là trục đường xương sống của Rạch Giá.
Sau giai đoạn đó, Rạch Giá bắt đầu tăng tốc phát triển mạnh mẽ và chỉ trong khoảng 20 năm đã vượt mặt các đô thị trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về sự trẻ trung, năng động. Người dân thành phố nhìn nhận, Rạch Giá đổi thay nhanh chóng xuất phát từ chủ trương “lấn biển xây thành phố” của Tỉnh ủy Kiên Giang và được chính quyền địa phương hai cấp vận dụng linh hoạt.
Một công chức quản lý từng thực hiện dự án này tâm sự: “Khi mới đi vào thực hiện dự án lấn biển, nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả, cho rằng “dã tràng xe cát”, chỉ nhọc công, phí sức. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, cùng với việc áp dụng những công nghệ mới trong việc đắp đê, bồi cát, các công trình lấn biển hoàn thành vượt sự mong đợi”.
Ông Nguyễn Trí Phương cho rằng, đây là khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, chạy dài khoảng 7km. Mô hình đô thị lấn biển dù không phổ biến tại Việt Nam nhưng là phân khúc phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ qua tại các quốc gia phát triển. Đô thị lấn biển có hướng nhìn biển thoáng đãng, cảnh quan rộng mở, không khí trong lành, càng thêm rạng rỡ về đêm.
Cùng với các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học… người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ như giải trí, điểm ăn uống, tham quan, thư giãn…
Ông Lâm Nghĩa Sỹ (77 tuổi) - cán bộ hưu trí, ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá, người có thời gian học tập tại TP. Rạch Giá những năm 50-60 của thế kỷ trước và có hàng chục năm công tác, sinh sống tại TP. Rạch Giá, nhận xét: "Hơn 20 năm trở lại đây, Rạch Giá có sự thay đổi lớn, từ kinh tế đến xã hội. Nổi bật nhất là việc thành phố thực hiện dự án lấn biển giai đoạn 1 với diện tích 420ha".
Sau hơn chục năm khẩn trương thi công bơm đất cát san lấp và xây dựng, từ một khu vực chỉ có nước đã trở thành một khu đô thị mới với nhiều nhà cửa, khu kinh doanh và giải trí sầm uất, làm cho thành phố mang một bộ mặt mới mẽ, khang trang.
Thật vậy, từ những công trình lấn biển, Rạch Giá có thêm những khu dân cư hiện đại như khu lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá, khu đô thị Phú Cường, khu đô thị 16ha, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Phú Gia và đang quy hoạch xây dựng khu đô thị Tây Nam Rạch Sỏi, khu đô thị Phú Quý...
Nhiều con đường lớn được mở ra như đường 3 Tháng 2, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Quang Khải, Phan Thị Ràng… Những con hẻm nhỏ xưa kia cũng được nâng cấp mở rộng thành đường. Hiện tại, Rạch Giá đang ráo riết triển khai các dự án đường 3 Tháng 2 nối dài Rạch Giá đến huyện Châu Thành và đường 3 Tháng 2 nối dài từ Rạch Giá đến huyện Hòn Đất...
Thạc sĩ Lê Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, trung học phổ thông Mong Thọ (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), một người sinh ra vào lớn lên tại Rạch Giá nhìn nhận: Diện mạo TP. Rạch Giá hôm xanh, sạch, đẹp và văn minh nhiều. Những tòa nhà cao tầng, khu đô thị, khách sạn, trung tâm thương mại, công trình giao thông... là những dấu ấn nổi bật mà người dân thành phố có thể vui mừng, tự hào.
Có một số điểm nhấn nổi bật như quảng trường Trần Quang Khải, khu đô thị Phú Cường, khu đô thị Tây Bắc, khu dân cư 16 ha; các khu chung cư, cầu 3 Tháng 2, các trường học và trụ sở làm việc… rất khang trang, hiện đại.
“Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền thành phố trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó là TP. Rạch Giá đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Điều này, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố ghi nhận”, thạc sĩ Lê Quốc Trung nói.
Cầu 3 Tháng 2 về đêm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang nhận định, TP. Rạch Giá là một trong những thành phố biển phát triển và năng động bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Rạch Giá hiện là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang. TP. Rạch Giá có những tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển,… đã và đang được đầu tư, khai thác hiệu quả.
Một trong những thành công vượt bậc của TP. Rạch Giá thời gian qua đó là các dự án lấn biển xây dựng thành phố.
Nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm hoàn toàn phù hợp. Nhìn vào bản đồ địa lý, TP. Rạch Giá có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Thành phố nằm giáp ranh và kết giao với các trung tâm du lịch, đô thị trong vùng như Khu kinh tế Phú Quốc, TP. Cần Thơ, TP. Hà Tiên, quần đảo Nam Du...
Đường 3 Tháng 2, khu vực phường An Bình.
Giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thủy như quốc lộ 61, quốc lộ 80, đường Xuyên Á ven biển phía Tây, đường thủy Rạch Giá - Hà Tiên, Rạch Giá - Long Xuyên, Rạch Giá - Cái Sắn... Đặc biệt, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP. Rạch Giá đến TP. Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 3,5 giờ bằng ô tô.
Bên cạnh đó, Rạch Giá đang được đầu tư tuyến đường ven biển Hòn Đất - Rạch Giá, Rạch Giá - Châu Thành, kết nối với cầu Cái Lớn - Cái Bé. Tuyến hành lang ven biển phía Nam kết nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan, đi qua TP. Rạch Giá sẽ mang lại cơ hội mở rộng hợp tác và đầu tư cho TP. Rạch Giá.
Điều tôi muốn nhấn mạnh, trung tâm đô thị của Rạch Giá nằm trải dài bên bờ đông vịnh Rạch Giá (vịnh Thái Lan) với gần 20km đường bờ biển, chiếm gần 1/10 chiều dài bờ biển của tỉnh Kiên Giang. Thành phố được vây quanh bởi sông Kiên ở phía Bắc và Đông Bắc, sông Cái Lớn ở phía Nam. Điều này tạo lợi thế để thành phố phát triển kinh tế thủy sản, đây cũng là thế mạnh đã, đang và sẽ giúp Rạch Giá đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế biển.
Mặt khác, sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Kiên Giang, mà tiên phong là Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải đã thúc đẩy du lịch của TP. Rạch Giá phát triển. TP. Rạch Giá trở thành điểm dừng chân, điểm trung chuyển, cũng là điều kiện để Rạch Giá đầu tư phát triển du lịch biển, kinh tế biển xứng tầm trở thành mũi nhọn tiên phong của tỉnh Kiên Giang.
Hơn nữa, TP. Rạch Giá còn là một tiền đề quan trọng của quốc gia trong tầm nhìn hướng ra khu vực và thế giới, bởi Rạch Giá là đô thị đặc biệt nằm ở biển Tây.
Rạch Giá lúc lên đèn.
Theo các chuyên gia quy hoạch, TP. Rạch Giá còn có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển khu vực Tây sông Hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ của hành lang ven biển Tây đồng bằng sông Cửu Long. Việc phát triển đô thị biển Rạch Giá tích hợp với các khu kinh tế ven biển sẽ tạo thành một hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ cộng sinh.
Khu vực ven biển là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và đất liền, là nơi chịu tác động trên vùng đất ven biển và cung cấp nguồn tài nguyên và các giá trị để phát triển vùng đất ven bờ. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh ra, duy trì các hệ sinh thái có giá trị và cũng chịu tác động nhiều nhất bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo phương án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP. Rạch Giá thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050, phân khu đô thị biển phía Tây gồm các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc, An Hòa và các khu lấn biển khoảng 1.346ha, trong đó khu vực lấn biển khoảng 283ha.
Đây sẽ là khu đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông của tỉnh Kiên Giang. Tại đây sẽ hình thành các khu liên cơ, các trục hành chính - thương mại là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh, của vùng.
Chung cư cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ Sophia Center do Phú Cường Group làm chủ đầu tư.
Theo đó, chính quyền thành phố sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị theo hướng bảo tồn cấu trúc không gian đô thị truyền thống, bảo tồn công trình kiến trúc, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị. Chỉnh trang công sở, trụ sở khang trang, bổ sung các chức năng công cộng, cây xanh công viên vào các không gian đô thị cũ.
Khu vực này cũng sẽ hình thành tuyến đi bộ kết hợp quảng trường biển và hình thành các sân khấu nổi Carnaval, các trục đại lộ hướng biển tạo nên một không gian đi bộ liên kết tốt hơn giữa không gian các công trình trên bờ và biển, đồng thời phục vụ các lễ hội truyền thống. Trên tuyến đi bộ gắn kết với các khu vực mua sắm, công trình nghệ thuật, quảng trường, tạo dựng các điểm nhấn và nhịp điệu mặt đứng đô thị biển.
Hoàng hôn trên vịnh Rạch Giá.
Phương án phát triển kinh tế - xã hội TP. Rạch Giá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Rạch Giá trở thành thành phố biển đẳng cấp quốc tế phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh, sinh thái; phát triển đô thị kinh tế động lực đầu tàu của quốc gia, một trong những trung tâm kinh tế của khu vực và Đông Nam Á...
Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn, cho biết giai đoạn 2021-2025, Rạch Giá tập trung nâng chất các tiêu chí đô thị loại II, gắn với rà soát thực hiện các tiêu chí của đô thị loại I, để Rạch Giá trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hiện tại, Rạch Giá đã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I và dự kiến được công nhận đô thị loại I thuộc tỉnh vào năm nay.
Giai đoạn 2026-2030, chính quyền tỉnh Kiên Giang và TP. Rạch Giá sẽ tập trung phát triển Rạch Giá trở thành đô thị kinh tế động lực đầu tàu của quốc gia, một trong những trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Á. Khi đó, TP. Rạch Giá trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu ở khu vực Tây Nam bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao.
Trong đó, các bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử được bảo tồn và thể hiện rõ nét. Người dân tại Rạch Giá có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, môi trường giáo dục đào tạo nhân văn, môi trường sống xanh và an toàn. Các ngành nghề kinh tế trong tỉnh phát triển hài hòa, bền vững, có chất lượng và giá trị cao.
Một góc khu đô thị Phú Gia.
Ông Nguyễn Trí Phương hiến kế, để phát triển Rạch Giá trở thành thành phố biển đẳng cấp thế giới, cần xây dựng khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành. Trọng tâm phát triển là về thương mại, dịch vụ, logistics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; với vai trò nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thủy sản và cảng hàng không Rạch Giá”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm nêu quan điểm, để TP. Rạch Giá phát triển trở thành thành phố biển đẳng cấp quốc tế, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số nội dung như quy hoạch đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cùng an ninh - quốc phòng; tiếp tục phát triển các dự án lấn biển theo định hướng sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo về đa dạng sinh học và quản lý tốt các vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó cần tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội một cách phù hợp; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế - xã hội; thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển thành phố về mọi mặt. Điều quan trọng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tham gia các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội…
Chung cư cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ Sophia Center do Phú Cường Group làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ông Lâm Nghĩa Sỹ phân vân: “Xây dựng thành phố đạt đẳng cấp thế giới là một mục tiêu. Chúng ta đề ra mục tiêu thì dễ, quan trọng là giải pháp để thực hiện. Điều quan trọng đầu tiên cần xác định rõ, đẳng cấp quốc tế đó là đẳng cấp gì? Đẳng cấp mang nội hàm toàn diện, hay chỉ là trên một số lĩnh vực tiêu biểu? Mục đích là vậy, nhưng không xác định rõ, sẽ không biết mục tiêu cần đạt mang nội hàm gì, cấp độ thế nào, nhất là làm thế nào để đạt, chưa kể đến lộ trình, phương thức và nguồn lực thực hiện”.
Theo ông Lâm Nghĩa Sỹ, vấn đề quan trọng không được quên là phải biết mình là ai, đang ở đâu, làm gì để đạt mục tiêu đó. Không xác định được điều đó, sẽ không thể đề ra được chiến lược phát triển cho lộ trình xây dựng và cái cần đạt được cho mỗi giai đoạn phát triển của thành phố.
Mục tiêu được xác định, nhưng để đạt được, phải đi từng bước một, cần có một trái tim nóng và cái đầu lạnh, một tư duy sắc sảo và khoa học, trên cơ sở thực tiễn sinh động của thực trạng kinh tế - xã hội và năng lực hành động cụ thể của bộ máy, lực lượng tham gia.
Khu nhà ở thương mại trong khu đô thị Phú Cường.
Theo phương án phát triển, Rạch Giá sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tầm vóc vùng. Các dự án giao thông đường bộ sẽ được chú trọng đầu tư với ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thông qua các con đường chính để hình thành các tuyến đường giao thương trọng điểm kết nối xuyên quốc gia.
Chính sự kết nối này sẽ nâng trị giá và mở rộng quỹ đất ven biển, tạo cơ hội để Rạch Giá thu hút đầu tư quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản ven biển kiểu mẫu. Và trong tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2050 Rạch Giá xác định 3 trụ cột chính: Thu hút các nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; đào tạo, thu hút cư dân có kỹ năng và văn hóa cao; hoàn thiện bộ máy quản trị địa phương có tính quyết đoán và thân thiện.
(KGO) - Hơn 300 sản OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang trưng bày tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ ngày 6 đến 15-9.
Tổng số lượt truy cập: