07/02/2023 16:42
Nghe ở đâu có bông giấy ta, tức là các loại bông giấy thuần Việt, anh Phương lại tìm đến. Hiện nay, anh Phương sở hữu bộ sưu tập bông giấy thuần Việt rất độc đáo. Với gần 1.000 gốc bông giấy các loại, trong đó bộ sưu tập bông giấy thuần Việt của anh Phương có 20 gốc từ 20-70 năm tuổi. Trong số này có một gốc 100 năm tuổi là cây được anh mê nhất, dáng đẹp nhất từng được khách hỏi mua với giá 650 triệu đồng nhưng anh chưa bán vì muốn giữ lại chăm sóc.
Theo anh Phương, bông giấy Việt không nhiều màu như các giống ngoại nhập, chỉ có các màu trắng, hồng xác pháo và ghép hai màu trắng, hồng. Hơn 15 năm sưu tầm bông giấy Việt, người đàn ông mê bông giấy này chưa bán bất kỳ một cây nào trong bộ sưu tập của mình, bởi như anh nói: “Tôi muốn giữ nét đẹp của dân tộc qua cây bông giấy ta. Có thể sau này con cháu nhìn cây của cha ông đã gìn giữ với niên đại từ 50-70 năm tuổi và thấy được giá trị của các loài bông giấy bản địa”.
Anh Đỗ Thanh Phương bên gốc bông giấy 100 năm tuổi trong bộ sưu tập bông giấy thuần Việt.
Tham quan khu vườn trồng bông giấy của anh Phương, chúng tôi choáng ngợp trước vẻ rực rỡ của loài hoa này với đủ màu sắc từ phớt hồng sakura, tím tuyết, tím chuông đến ngũ sắc, cam lửa, đỏ lửa rực rỡ... Để lấy ngắn nuôi dài, dồn sức “dưỡng nuôi” hình thành bộ sưu tập bông giấy Việt, anh Phương bán các loại bông giấy ngoại nhập như bông giấy Thái, Nhật, Trung Quốc...
Theo anh Đỗ Thanh Phương, bông giấy có nhược điểm là vỏ mỏng nên dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời hoặc tưới nhiều nước cây dễ bị tuột vỏ, dẫn đến hư thân và lõi cây. Nếu không biết cách chăm sóc sẽ làm hỏng cây ngay từ ban đầu. |
Không chỉ ghép được nhiều màu bông trên cùng một thân, cộng thêm phần gốc có hình dáng đẹp mắt, độc đáo, bông giấy của anh Phương luôn được khách hàng ưa chuộng. Những chậu bonsai, gốc bông giấy thường được anh Phương bán với giá từ vài triệu đồng tùy cây; những cây độc lạ sẽ có giá từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Trong số này, nhiều gốc được hỏi mua giá rất cao nhưng anh vẫn chưa đồng ý bán.
Năm 2007, nhận thấy thị trường bông giấy được nhiều người ưa chuộng, anh Phương chuyển hướng sang sưu tầm và kinh doanh loại hoa này. “Thấy nhiều người thích bông giấy nên tôi sưu tầm những gốc bông giấy bonsai hoặc những cây có dáng đẹp lạ để tạo hình. Thông thường, để bán hàng ngày tôi chọn những gốc hoa giấy ngoại nhập đã được giâm từ 3-5 năm”, anh Phương chia sẻ.
Một gốc bông giấy ngũ sắc của anh Đỗ Thanh Phương đang được tạo dáng.
Để có được những phần gốc xù xì lạ mắt, anh Phương cất công đi sưu tầm từ nhiều nơi. Nhiều chậu có phần gốc được ghép bởi hoa giấy Thái, Nhật hoặc Mỹ. Số lượng màu sắc hoa được anh phối từ đơn sắc tới đa sắc, thậm chí là 5, 6 màu hoa trên cùng một chậu. Sau khi thu mua, anh cắt bỏ phần rễ thừa, tạo dáng cho cây. Đó có thể là những dáng bonsai truyền thống hay hình con vật, đến những cây có dáng đẹp, độc đáo như bàn trà, gác cổng, dáng bay, tàng thông… Hầu như anh Phương không có khuôn khổ hay bản vẽ nào định trước, tất cả đều dựa vào thế cây, dáng rễ tự nhiên có sẵn để tạo hình sao cho đẹp mắt.
Bông giấy vốn là loài cây dân dã, chậm phát triển nhưng tuổi thọ rất cao, cây có thể cho bông quanh năm. Nhiều người cho rằng cây bông giấy dễ trồng và nhẹ công chăm sóc. Anh Phương chia sẻ: “Nghề này khó, nếu không đam mê sẽ khó theo đuổi được. Khi bứng được gốc bông giấy và mang về cả quá trình bởi cây có cành, nhánh không theo trật tự, gai góc chằng chịt nên gần như lần nào bứng đem về, tay chân đều ít nhiều có thương tích”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: