26/09/2023 13:38
ĐA DẠNG MẪU MÃ
Tại các chợ, cửa hàng bán đồ chơi trên địa bàn TP. Rạch Giá, giá bán lồng đèn ổn định. Lồng đèn trung thu truyền thống bằng giấy dùng đèn cầy có giá từ 10.000-15.000 đồng/cái. Lồng đèn trung thu truyền thống bằng giấy sử dụng đèn led có giá từ 20.000-40.000 đồng/cái. Lồng đèn điện tử có nhiều kích cỡ, hình dáng như hình con ong, siêu nhân, mèo Kitty, Doraemon…
Chị Bùi Ngọc Hồng - nhân viên cửa hàng Lý Hồng Phát cho biết: “Cửa hàng nhập đèn trung thu điện tử số lượng nhiều hơn so các loại lồng đèn giấy. Giá các loại lồng đèn điện tử dao động từ 50.000-180.000 đồng/cái”.
Theo một số cửa hàng kinh doanh lồng đèn, từ cuối tháng 7 âm lịch đã có khách đặt hàng số lượng từ 200-300 cái làm quà tặng cho các em thiếu nhi. Đồ chơi trung thu bán chạy và hút khách từ ngày 10 đến 16-8 âm lịch.
Chị Tô Thị Anh Thư, ngụ TP. Rạch Giá, nói: “Trung thu năm nào tôi cũng mua lồng đèn làm quà cho hai bé. Năm nay, đèn trung thu điện tử có giá giảm so năm 2022 từ 5.000-10.000 đồng/cái”.
Gia đình chị Vũ Thị Diễm Thúy, phụ huynh của bé Trần Hoàng Linh Sang, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang), treo đèn trung thu đã hoàn thiện. Ảnh: KIỀU DIỄM
Tại các huyện An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, nhiều cửa hàng bày bán các mặt hàng lồng đèn đa dạng kiểu mẫu.
Anh Nguyễn Văn Linh - chủ cửa hàng bán lồng đèn trung thu tại khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Lồng đèn điện tử được các em chọn mua nhiều hơn đèn giấy vì có đèn chớp, màu sắc bắt mắt, kèm nhạc. Phụ huynh mua lồng đèn trung thu điện tử chủ yếu muốn an toàn về cháy. Đối với lồng đèn truyền thống dùng đèn cầy, trẻ em chơi phải có sự giám sát của người lớn vì sử dụng lửa, dễ gây cháy”.
Em Nguyễn Thị Thúy An, ngụ huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “Em thích lồng đèn điện tử sử dụng bằng pin vì em có thể sử dụng lại và làm bộ sưu tập lồng đèn trung thu qua các năm”.
Chị Lê Thị Huyền Trang - chủ cửa hàng Trang Phúc tại ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, nói: “Lồng đèn điện tử có mẫu mã đa dạng, giá dao động từ 50.000-160.000 đồng. Hiện cửa hàng bán chạy nhất là lồng đèn điện tử hình gấu dâu”.
XINH XẮN LỒNG ĐÈN THỦ CÔNG
Bên cạnh lồng đèn trung thu đang bày bán trên thị trường, các cơ sở mầm non trên địa bàn TP. Rạch Giá tổ chức cho phụ huynh cùng các bé tự làm đèn trung thu thủ công.
Tại cơ sở mầm non Rainbow House cơ sở 2, khu đô thị Phú Cường, phường An Hòa, TP. Rạch Giá, hơn 40 phụ huynh và trẻ quây quần bên nhau tự tay làm những chiếc đèn ông sao xinh xắn.
Chị Vũ Thị Diễm Thúy, mẹ của bé Trần Hoàng Linh Sang bộc bạch: “Hơn 10 năm, gia đình tôi mới có dịp ngồi bên nhau làm lồng đèn ông sao thủ công. Vợ chồng tôi được chơi đùa cùng các con trong không gian trung thu ấm áp. Tôi tin rằng đây là ký ức đẹp sẽ in sâu vào tâm trí của các con. Khi tôi làm lồng đèn cũng gợi nhớ những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của mình”.
Bé Nguyễn Diệp Anh, học lớp chồi cơ sở mầm non Rainbow House chia sẻ: “Hôm nay con chơi vui lắm. Con cùng mẹ và chị làm được lồng đèn ông sao màu xanh lá cây. Con được hát, chơi với ông lân, lồng đèn, con muốn được chơi trung thu hoài”.
“Trung thu là tết đoàn viên, khi những chiếc đèn hoàn thành, chúng tôi không chỉ thấy sự sáng tạo, hợp lực của các thành viên trong gia đình mà còn là sự kết nối giữa các thế hệ. Đây là một phần quan trọng nuôi dưỡng tình yêu thương cho trẻ. Ngày tết Trung thu, Rainbow House còn tổ chức cho các bé tham gia đêm hội trăng rằm, rước đèn, phá cỗ…”, cô Nguyễn Thị Mỹ Hân - chủ cơ sở mầm non Rainbow House cho hay.
Trường Mầm non, Tiểu học Mekong Xanh (MGIS) tổ chức làm lồng đèn thủ công cho phụ huynh và học sinh. Cô Trương Như Phượng - Hiệu trưởng cấp mầm non MGIS cho biết: “Đây không chỉ là hoạt động phát huy sự sáng tạo mà còn nuôi dưỡng giá trị đẹp của tình thân gia đình, tinh thần đoàn kết và nét đẹp của văn hóa truyền thống”.
Mỗi dịp tết Trung thu về, lồng đèn trung thu là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em. Sự đa dạng của lồng đèn không chỉ làm cho trẻ thích thú mà còn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của ngày tết đoàn viên này.
KIỀU DIỄM - THÚY ANH
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: