20/01/2022 18:08
Ghi nhận trên các tuyến đường tại TP. Rạch Giá như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái và một vài chợ truyền thống cho thấy, hàng hóa trang trí tết rực rỡ sắc màu và có rất nhiều mẫu, chủng loại sản phẩm. Giống như các năm trước, những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều để trang trí dịp Tết Nguyên đán là đèn lồng, dây kim tuyến, liễn treo câu đối tết, đèn chùm, các đồng tiền vàng có những dòng chữ “chúc mừng năm mới”, “an khang, thịnh vượng”, “vạn sự như ý”, các sản phẩm hình hoa mai... Đặc biệt, năm nay, những sản phẩm có hình con hổ - linh vật tượng trưng cho năm mới 2022 rất đa dạng và được nhiều người quan tâm, nhất là bao lì xì và các loại tranh dán tường
So Tết Nguyên đán năm 2021, giá các mặt hàng trang trí tết năm nay vẫn ổn định. Các loại đèn lồng có giá từ 50.000-150.000 đồng/chiếc; bao lì xì các loại giá 10.000-20.000 đồng/10 cái; dây kim tuyến trang trí giá từ 25.000-70.000 đồng/dây; liễn treo câu đối tết giá từ 50.000-150.000 đồng/cặp (tùy chất liệu)... Một số loại dây mang ý nghĩa may mắn có chỉ đỏ kết nối với hình đồng tiền lỗ vuông, thỏi vàng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều, giá từ 10.000-50.000 đồng.
Ông Lâm Thanh Xuân - tiểu thương ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) treo các sản phẩm trang trí tết phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: THANH NHÃ
Bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Tết Nguyên đán hàng năm, dù bận rộn với công việc nhưng tôi đều tranh thủ đến chợ Rạch Sỏi xem, lựa chọn và mua vài món đồ về trang trí để nhà thêm tươm tất. Không làm đẹp cho căn nhà, những đồ vật trang trí còn mang biểu tượng may mắn, vui vẻ, đem lại niềm phấn khởi mới cho cả gia đình cùng đón tết cổ truyền của dân tộc”.
Theo các tiểu thương, năm nay hàng hóa trang trí tết có xuất xứ Việt Nam chiếm ưu thế. Anh Nguyễn Văn Hiệp, tiểu thương tại thị trấn Thứ Ba (An Biên) cho biết: “Những năm trước, hàng có xuất xứ Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường. Nhưng 3 năm trở lại đây, khoảng 90% các sản phẩm được sản xuất trong nước. Điều đó chứng tỏ hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã. Các mặt hàng trang trí tết sản xuất trong nước có giá vừa túi tiền người dân, từ 5.000-150.000 đồng/sản phẩm”.
Các mặt hàng hoa giả từ chất liệu lụa, vải, nhựa cũng khá đa dạng, đẹp mắt và có nhiều mức giá để người tiêu dùng lựa chọn. Tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá, mấy ngày qua, một số quầy bán hoa giả được mở phục vụ nhu cầu trang trí tết của người dân. Các loại hoa cành lẻ như cúc, đào, mai... được nhiều người tìm mua. Một số mẫu bình hoa giả cắm sẵn có giá dao động từ 300.000 đến 5 triệu đồng/bình tùy loại cũng khá thu hút khách, nhất là các bình hoa lan, hướng dương loại lớn.
Anh Nguyễn Trần Khánh An, ngụ ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A (An Biên) trang trí dừa chưng tết cho khách hàng. Ảnh: THANH NHÃ
Những trái dừa được phun nhũ vàng óng ánh, sau đó viết lên chữ thư pháp màu đỏ hoặc hồng cùng những họa tiết cánh đào, hoa mai xung quanh đang “hút” khách dù giá khá cao. Cùng với dừa, các loại trái như dưa hấu, bưởi, xoài… cũng được trang trí chữ như tài, lộc, phúc, thọ cũng được một số nơi nhận làm để đáp ứng nhu cầu sản phẩm độc, lạ của người tiêu dùng làm quà tặng hoặc chưng tết. “Hai năm trở lại đây, người dân rất thích các sản phẩm này, trong đó dừa và dưa hấu được ưa chuộng nhất.
Điểm nổi bật của sản phẩm này là màu sắc bắt mắt, độ bền cao, để chưng tết được thời gian dài và có nhiều mức giá để người tiêu dùng lựa chọn”, anh Nguyễn Trần Khánh An, ngụ ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A (An Biên) cho biết. Theo anh An, từ khoảng 15 tháng chạp, anh bắt đầu nhận các đơn hàng cho đến cận Tết Nguyên đán. Thời gian này, anh và một vài người bạn nhận khắc, vẽ trên 100 cặp dừa và dưa hấu, bán giá từ 250.000-400.000 đồng/cặp tùy yêu cầu của khách và kích thước loại trái.
Theo một số tiểu thương và chủ cửa hàng bán hàng trang trí tết, thời điểm này sức mua các sản phẩm bắt đầu tăng so tuần trước, nhưng vẫn chưa vào cao điểm. Dự kiến sức mua sẽ tăng mạnh hơn từ ngày 22 tháng chạp đến 29 Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
TÚ LY - THANH NHÃ
(KGO) - Tháng 8-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Kiên Giang ước 97 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng trước, tăng 9,9% so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 698,7 triệu USD, đạt 67,2% kế hoạch năm và tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu 611 triệu USD, nhập khẩu 87,7 triệu USD.
Tổng số lượt truy cập: