15/08/2024 15:46
Những năm qua, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị mất đi ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sản xuất của người dân sinh sống tại các địa phương. Để bảo vệ và khôi phục lại diện tích rừng phòng hộ ven biển, tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới nhiều diện tích rừng.
UBND tỉnh Kiên Giang chủ trương thực hiện chính sách giao khoán đất rừng phòng hộ cho người dân địa phương. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm giúp khôi phục diện tích rừng, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân vừa tham gia trồng rừng trên diện tích đất giao khoán vừa có thể nâng cao đời sống từ việc phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng phòng hộ.
Toàn huyện Kiên Lương có 1.712ha đất rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn xã Dương Hòa, Bình An và thị trấn Kiên Lương. Để ổn định sinh kế, tạo việc làm và giúp người dân nhận khoán đất rừng nâng cao thu nhập, thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện chuyển giao quy trình sản xuất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cua, tôm quảnh canh, nuôi cá chẽm, cá mú đen, cá mú trân châu. UBND huyện quan tâm đầu tư hệ thống điện, thủy lợi phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ con giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật để người dân chuyển đổi sản xuất.
Ông Trần Kỳ Bá, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) cùng vợ và các con về nhận khoán đất rừng gần 20 năm. Ngần ấy thời gian, ông đeo đuổi, bám trụ với rừng, nhờ có rừng gia đình ông Bá hiện đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Bá cho biết: “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước ở đây rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá bống mú trong ao đất. Với diện tích khoảng 5.000m2, tôi chia thành 5 ao chuyên nuôi cá mú trân châu. Mỗi năm thu nhập từ 200 -300 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Đặng Giang, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) nuôi cá bống mú chân trâu dưới tán rừng phòng hộ.
Bên cạnh các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, người dân còn tận dụng khai thác bãi bồi để nuôi thêm một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sò huyết, hàu, vẹm xanh. Anh Nguyễn Đặng Giang, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An nói: “Những năm gần đây, diện tích rừng bị mất khá nhiều do sạt lở bờ biển. Để chống xói lở bờ biển, bảo vệ diện tích đất rừng, tôi đầu tư xây kè đá chiều dài gần 100m, kết hợp thả đá hộc để tạo giá thể nuôi hàu. Nuôi hàu không tốn nhiều chi phí, có thể đem lại thu nhập ổn định, lấy ngắn nuôi dài, có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian thả nuôi cá mú. Nhờ cách làm này, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/năm”.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết: Dưới tán rừng phòng hộ ven biển, nhiều năm nay, người dân nhận giao khoán đất rừng trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc chăm sóc, trồng và bảo vệ rừng. Không những thế, người dân tận dụng tốt điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá mú trong ao đất phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, mô hình này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đa số người dân nuôi theo quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết, nên người dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Nguồn con giống tại địa phương chưa sản xuất được, người dân phải mua con giống nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí sản xuất, giá thành cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm phần lớn nông dân nuôi cá dưới tán rừng không chủ động được nguồn nước nên thức ăn từ cá phân dễ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành, định hướng của huyện trong thời gian tới để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, trong đó có mô hình nuôi cá bống mú, huyện khuyến khích vận động người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định. Huyện triển khai chương trình, dự án hỗ trợ để người dân tham gia, tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; vận động người dân mở rộng thêm mô hình nuôi thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Huyện phối hợp với các ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, xây dựng thương hiệu cá mú chân trâu đạt chuẩn OCOP, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: