10/02/2022 09:32
Theo sự hướng dẫn của đồng chí Lưu Hoàng Ý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mong Thọ B, chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Trần Văn Cước. Buổi sáng thanh bình dưới những tán cây mát mẻ, mùi thơm của hoa bưởi, hoa dừa thoang thoảng làm lòng người dễ chịu.
Căn nhà của vợ chồng ông Trần Văn Cước nằm giữa khu vườn hơn 4ha, đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình có 4 thành viên. Cùng khách uống mấy ngụm nước dừa mát lạnh, ông Cước kể về thành quả lao động của mình. Đó là cả quá trình đầu tư công sức, tâm huyết của cả gia đình ông với thời gian hơn 20 năm. Nhìn ra vườn bưởi phía trước, ông Cước kể: “ Trước đây tôi từ huyện Tân Hiệp đến xã Mong Thọ B làm thuê, rồi cưới vợ. Gia đình bên vợ có nhiều đất nên giao cho tôi mấy chục công để làm ruộng, nhưng canh tác lúa không hiệu quả. Không có vốn để cải tạo đất, 2 vợ chồng tôi làm đủ nghề để vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con, vừa tiết kiệm đầu tư cải tạo đất”. Mấy năm đầu ông Cước tự đào đất đắp bờ bao. Lên được bờ tới đâu trồng cây tới đó. Khi có thêm thu nhập từ làm thuê, ông mướn thêm người cùng làm. Gia đình ông lấy ngắn nuôi dài, từng bước hình thành vườn bưởi bằng nguồn vốn ít ỏi của gia đình. Vợ ông cũng rất đồng lòng trong việc cải tạo, đầu tư vườn bưởi theo từng bước đi vững chắc.
Để có thêm nguồn vốn phát triển vườn cây ăn trái, vợ chồng ông Cước tranh thủ diện tích mặt nước trong ao nuôi cá để trồng sen. Mấy năm đầu ông mua và tự chiết giống bưởi 5 roi để trồng. Thời điểm đó, bưởi 5 roi đắt hàng trên thị trường. Giống bưởi này có thân cây cao, nhiều trái, lại ngọt hơn các giống bưởi khác. Trồng được vài chục gốc bưởi 5 roi đem lại khoản thu nhập khá cho nhà vườn.
Ông Trần Văn Cước thu hoạch bưởi.
Khi giao thương ngày càng phát triển, nhiều nhà vườn đã ứng dụng khoa học nhân ra nhiều giống cây mới có giá trị cao hơn. Để thích ứng với nhu cầu phát triển của thị trường, vợ chồng ông Cước thuê xáng múc toàn bộ diện tích đất ruộng, vườn tạp và chia thành từng khu. Ông mua 100 cây bưởi da xanh ruột đỏ trồng thử nghiệm. Quá trình trồng, ông nghiên cứu sử dụng các loại phân bón được ủ từ rơm, cỏ, lục bình kết hợp phân gà, vịt qua xử lý diệt khuẩn, nấm. Chăm chút cẩn thận hơn 1 năm, gần trăm gốc bưởi đã cho trái chiến. Để dưỡng cây, ông hái bớt chỉ để mỗi cây vài trái ăn thử. Hơn cả sự mong đợi, bưởi vừa thơm, vừa ngọt, ai ăn cũng khen. Sau khi kiểm nghiệm chất lượng bưởi, ông bắt đầu tìm tòi và lựa cây tốt tự chiết cành nhân giống. Mỗi năm trồng vài trăm cây. Không bao lâu, vườn bưởi nhà ông Cước đã phủ kín và cho trái quanh năm.
Hiện vườn nhà ông Cước có khoảng 3.000 gốc bưởi, được chăm sóc và cho trái theo từng khu để có sản phẩm bán quanh năm, thu nhập ổn định. Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá bưởi thấp hơn mọi năm nhưng hàng tháng thu nhập từ bưởi sau trừ chi phí vẫn được 5-7 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Cước còn có nguồn thu khác từ cá, gà, vịt quanh năm. Ông còn tranh thủ trồng xen ít cây sầu riêng để khi cây bưởi lão hóa sẽ có sản phẩm thay thế.
Bài và ảnh: THÁI PHI
(KGO) - Hơn 300 sản OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang trưng bày tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ ngày 6 đến 15-9.
Tổng số lượt truy cập: