09/03/2021 08:23
TẠO VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH
Đi trên những cánh đồng cỏ bàng trải dài như những tấm thảm màu xanh thuộc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh (KBTL-SC) Phú Mỹ, đồng chí Lâm Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc KBTL-SC Phú Mỹ cho biết: “Trước đây, cỏ bàng mọc rất nhiều ở những cánh đồng nhiễm phèn nặng này, đồng bào Khmer đã nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập để đan cà ròn (bao nhỏ để đựng đồ), đệm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhiều nhất vào mùa nước nổi, từ tháng 8-11 hàng năm”. Những năm qua, đồng cỏ bàng Phú Mỹ được sếu đầu đỏ làm nơi trú ngụ. Đây là loài chim quý hiếm, có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.
Chị Thị Phép, ngụ ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ (Giang Thành) thu hoạch cỏ bàng.
Hầu hết phụ nữ đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ đều biết đan cỏ bàng. Cứ hai ngày một lần, từ 3 giờ sáng, các chị thức dậy đi nhổ cỏ bàng. Công việc đan lát các sản phẩm từ cỏ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, phụ nữ và trẻ em thường làm công việc này. Hàng năm, KBTL-SC Phú Mỹ tạo việc làm cho khoảng 200 lao động đan các sản phẩm từ cỏ bàng, trong đó 90% là đồng bào Khmer.
Anh Lý Hoàng Bảo - Giám đốc Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành) cũng là người phụ trách thủ công mỹ nghệ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ kiểm tra các sản phẩm đan từ cỏ bàng của các thành viên hợp tác xã.
Theo anh Lý Hoàng Bảo - Giám đốc Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, cũng là người phụ trách thủ công mỹ nghệ KBTL-SC Phú Mỹ, nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, hiện nhiều sản phẩm từ cỏ bàng được cắt, may phối hợp với các phụ liệu, phụ kiện để tạo thành ba lô, túi xách, giày dép...
Đây là các sản phẩm thân thiện với môi trường, có tiềm năng phát triển rất cao. Chị Thị Phép, ngụ ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ chia sẻ: “Trong gia đình tôi, đến thời tôi là đời thứ năm làm nghề đan cỏ bàng. Hiện thu nhập bình quân của tôi từ nghề này là 3 triệu đồng/tháng, đủ chi tiêu lặt vặt”.
GIẢI PHÁP BẢO TỒN
KBTL-SC Phú Mỹ được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập đầu năm 2016, có tổng diện tích khoảng 2.700ha; trong đó, diện tích vùng lõi 1.070ha, vùng đệm 1.630ha. Mục tiêu của khu bảo tồn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng sếu đầu đỏ trên 100 cá thể về đây trú ngụ mỗi năm.
Thành viên Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành) đan giỏ xách bằng nguyên liệu cỏ bàng.
Đồng thời, quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ, từ đó đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho người dân. Ngoài ra, KBTL-SC Phú Mỹ còn là nơi phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề thủ công và sếu đầu đỏ; triển khai thực hiện các kế hoạch giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là trong khu bảo tồn.
Đồng chí Lâm Hoàng Tuấn cho biết: “Trước mắt, chúng tôi làm sao bảo tồn được đồng cỏ bàng để tiếp tục tạo ra các sản phẩm từ cỏ bàng, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân ở đây để bà con thấy được khu bảo tồn đem lại lợi ích, từ đó đồng thuận cao hơn trong công tác bảo tồn”. Theo đồng chí Lâm Hoàng Tuấn, dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ đã thành công qua việc phát triển làng nghề đan cỏ bàng một cách bền vững. Thời gian qua, khu bảo tồn phối hợp với Hội Sếu quốc tế thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình trồng cỏ bàng trong KBTL-SC Phú Mỹ”; tổ chức đoàn công tác, tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ, nhân viên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển làng nghề.
Thời gian qua, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ còn trao đổi với các chuyên gia tài chính của Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học về nhu cầu tài chính của khu bảo tồn trong thời gian tới trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến về tài chính cho đa dạng sinh học BIOFIN - Huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học và phát triển bền vững”. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đã đón đoàn tham quan, làm việc của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thái Lan và Việt Nam, trao đổi về tình hình hoạt động của đơn vị, nhu cầu phát triển, đầu tư về khoa học, du lịch, sinh kế người dân tại địa phương. |
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: