08/08/2023 14:17
Theo nhiều người dân ấp Bào Láng, xã Nam Thái huyện An Biên người làm nghề lú đầu tiên ở ấp Bào Láng là vợ chồng bà Phạm Thị Hiền (54 tuổi), ngụ ấp Bào Láng.
Trước đây, gia đình bà Hiền không ruộng đất canh tác nên vợ chồng sống bằng nghề bắt tôm, cá dưới sông. Năm 1999, chồng bà Hiền học cách làm lú từ một số người dân huyện Vĩnh Thuận và cải tiến sản phẩm ngày càng hoàn thiện, chất lượng.
Lú do gia đình bà Hiền làm đẹp, bắt nhiều cá, tôm nên được nhiều người ở địa phương tìm mua và học hỏi cách làm. Thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao, năm 2009 gia đình bà thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh và bắt đầu thuê nhân công.
Cơ sở của bà Hiền có gần 20 nhân công, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi. Mỗi năm, cơ sở bán hơn 15.000 cái lú các loại. Tùy loại và kích thước, lú có giá từ 130.000-300.000 đồng/cái.
Để hoàn thành một cái lú phải trải qua nhiều công đoạn, hầu hết làm thủ công. Tùy công đoạn, tiền công từ 5.000-20.000 đồng/cái, trung bình mỗi nhân công thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng.
13 năm gắn bó với nghề làm lú giúp gia đình bà Châu Kim Loan (51 tuổi), ngụ ấp Bào Láng có cuộc sống ổn định. Bà Loan nói: “Từ khi nghề làm lú ở địa phương hình thành và phát triển, ngoài làm việc nhà, bán quán cà phê, tôi thường xuyên nhận lú về làm. Việc nhẹ nhàng, không cần vốn đầu tư, trung bình mỗi ngày tôi thu nhập gần 200.000 đồng từ công đoạn ráp vành cho lú, tính ra mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập từ nghề này mà cuộc sống gia đình thoải mái hơn”.
Bà Phạm Thị Hiền, ngụ ấp Bào Láng, xã Nam Thái (An Biên) kiểm tra lú trước khi giao khách hàng.
Lú là một túi hình phễu, dài từ 2-3m; được làm từ lưới gân và vành nhựa. Lú có nhiều vành hình tròn làm khung, nhỏ dần từ đầu đến đuôi. Mỗi cái lú thường có 1-2 hom. Hom được làm tỉ mỉ, hợp lý để tôm, cá vào nhưng không ra được. Hai bên miệng lú được cột cố định vào 2 cái cây để cắm xuống nước. |
Quê ở xã Nam Thái, sau khi kết hôn, chị Lê Minh Thư (24 tuổi) theo chồng đi tỉnh Bình Dương làm công nhân. Kinh tế khó khăn, đời sống công nhân vất vả nên đầu năm 2023, vợ chồng chị Thư trở về quê để gần cha mẹ già và con thơ. Chồng chị Thư mở tiệm buôn bán nhỏ, còn chị làm lú. Chị Thư nhận công đoạn đan lưới, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 170.000 đồng.
“Nghề đan lú làm tại nhà không tốn chi phí, không áp lực, còn có thời gian gần gũi, chăm sóc gia đình. Nghề này có hàng làm quanh năm, thu nhập ổn định giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt”, chị Thư chia sẻ.
Theo bà Hiền, để có được lú đẹp và chất lượng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo, nắm rõ phương pháp từng công đoạn. Hơn nữa người làm lú cần nhạy bén, sáng tạo để có thể làm bất kỳ mẫu lú theo nhu cầu khách hàng.
“Hơn 13 năm giữ uy tín và chất lượng nên cơ sở của tôi được nhiều người trong và ngoài huyện tìm mua lú. 6 tháng đầu năm 2023, lú luôn cháy hàng vì vào vụ tôm. Nếu có nguồn vốn cơ sở sẽ mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công để làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng”, bà Hiền cho biết.
Đồng chí Lương Văn Năm - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, từ khi xã chuyển dịch sang mô hình tôm - lúa, nghề đan lú bắt đầu phát triển. Ngoài cơ sở của bà Hiền, trên địa bàn xã còn 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh lú các loại với hơn 100 nhân công gắn bó với nghề. Ngoài những người hết tuổi lao động, trẻ em cũng có thể tranh thủ thời gian làm các công đoạn đơn giản góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024 tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang) không chỉ là sân chơi thương mại quy mô lớn mà còn là điểm nhấn nổi bật trong chuỗi sự kiện chương trình khuyến công quốc gia.
Tổng số lượt truy cập: