30/01/2023 16:10
Trên một khoảng vuông dưới tán rừng phòng hộ thuộc địa bàn ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), ông Trần Văn Dũng cẩn thận kiểm tra sò huyết. Ông Dũng nói: “Sò loại 100 con/kg hiện giá 125.000 đồng, cao hơn năm 2022 là 10.000 đồng/kg nên người nuôi sò đều phấn khởi. Sò năm nay khỏe mạnh, lớn nhanh nên gia đình tôi chắc trúng lớn”.
Vợ chồng ông Dũng ra riêng được cha mẹ chia cho 5 công đất lúa. Kinh tế gia đình tạm ổn, nhưng vợ chồng ông vẫn cần cù lao động, tìm cách tăng thu nhập. Dành dụm được bao nhiêu, vợ chồng ông mua thêm đất ruộng. Khoảng năm 2010, nhiều người chán nản bỏ đất vì sò huyết liên tục gặp dịch bệnh, thấy vậy ông Dũng nhận lại một số phần đất rừng và bắt đầu nuôi sò huyết. Gia đình ông khá lên từ đó, hiện ông có 9ha nuôi sò huyết.
Theo ông Dũng, sò giống nuôi sau 1 năm sẽ thu hoạch. Trong quá trình nuôi không cần cho ăn vì sò chỉ ăn bả thực vật, thủy sinh. Sò huyết là loài “ở sạch” nên đòi hỏi môi trường không ô nhiễm. Trong nuôi sò, chi phí con giống chiếm khoảng 30%, nếu con giống không đảm bảo chất lượng, hàng trăm triệu đồng xem như mất trắng. “Khoảng tháng 5 thả, đến tháng 10 âm lịch sò đạt trọng lượng 200 con/kg thì coi như vụ nuôi an toàn, bởi ở độ tuổi này sò đủ sức chống chọi với những biến động của môi trường”, ông Dũng khẳng định.
Ông Đặng Văn Mười, ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái (An Biên) chuẩn bị ra thăm bãi nuôi sò huyết của gia đình.
Để chắc ăn, ông Dũng mua sò giống ở vùng biển huyện An Minh và tỉnh Cà Mau về ươm thuần trước khi thả nuôi. Ông còn ươm sò giống để cung cấp cho người dân địa phương. Cần cù, chịu khó nên hầu như vụ nào ông Dũng cũng lãi hơn 1 tỷ đồng từ nuôi sò huyết.
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Đặng Văn Mười bị thương đến gần mất thính giác trong lần tham gia chiến đấu ở căn cứ U Minh. Sau ngày giải phóng, ông Mười trở lại quê nhà ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, với quyết tâm làm giàu, nuôi 6 đứa con khôn lớn. “Ban đầu trong ấp có khoảng chục hộ nuôi sò huyết, vợ chồng tôi nuôi thử. Bước đầu thành công, cứ vậy nuôi sò huyết đến nay. Năm nào nước ô nhiễm sò chết thì lỗ hoặc huề vốn, có năm thuận mùa lời 1-2 tỷ đồng”, ông Mười nói.
Ông Trần Văn Dũng, ngụ ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), thu hoạch sò huyết.
Khoảng năm 2000, vợ chồng ông Mười thuê 1ha mặt nước nuôi sò huyết thương phẩm. Vụ đầu thành công giúp ông tự tin mở rộng diện tích nuôi. Niên vụ sò 2022, ông Mười trúng đậm với năng suất đạt 3,5 tấn/ha, trừ hết chi phí, lãi hơn 1 tỷ đồng từ 10ha nuôi sò.
Theo ông Mười, nuôi sò trên bãi bồi ven biển không tốn tiền mua thức ăn. Kỹ thuật chăm sóc sò huyết khá dễ, tỷ lệ sống đạt khoảng 90%. Muốn sò ít hao hụt cần chọn bãi nuôi tốt. Vùng nuôi sò huyết lý tưởng nhất phải cách bờ từ 0,5-1km. Do sò có thể di chuyển nên khi nuôi cần giăng lưới thật sâu, từ mặt bãi bồi lên trên khoảng 0,5m.
Đưa chúng tôi tham quan những bàu nuôi sò trên bãi bồi thuộc vùng biển An Biên, ông Mười nói: “Hơn 30 năm nay, trên vùng bãi bồi này không ít gia đình giàu lên nhờ con sò. Môi trường nước ngày càng ô nhiễm nên nuôi sò trầy trật hơn. Vào mùa gió chướng, nước biển đánh bạt cả bàu nuôi sò làm thất thoát nhiều, nhưng nếu làm lưới kỹ, đảm bảo đủ sâu thì khi có sóng lớn sẽ đỡ hao hụt”.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: