14/09/2021 10:11
Trước đây, U Minh Thượng là vùng đất nổi tiếng với nguồn lợi cá đồng rất dồi dào. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều diện tích đất ở vùng này dần chuyển theo mô hình chung để phát triển kinh tế nên nguồn lợi cá đồng giảm đáng kể. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 3.000ha diện tích nuôi là cá nước ngọt, trong đó chủ yếu là cá đồng ở hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận.
Khoảng năm 1992, nhiều hộ dân vùng lân cận về vùng đệm U Minh Thượng nhận khoán đất 4ha/hộ để phát triển kinh tế. Đến nay, người dân cải tạo 4ha đất trồng chuối hoặc một số cây trồng khác, trong đó xẻ 2 con mương với diện tích 1ha mặt nước để phục vụ tưới tiêu. Nông dân tận dụng mặt nước trong mương để nuôi cá đồng vừa tăng thu nhập, vừa giữ gìn nguồn lợi cá đồng. Ngoài nguồn cá đồng tự nhiên như cá lóc, cá trê, cá rô, người dân còn thả nuôi thêm các loại cá rô phi, mè vinh, chép…
Khi nước trên đồng ruộng rút dần, nông dân huyện U Minh Thượng tất bật vào mùa thu hoạch cá đồng. Nhiều người thu hoạch ngay khi mùa mưa bắt đầu để bán cá giá cao hơn và đón nước mưa phục vụ tưới tiêu cho vườn cây ăn trái. Có người chờ đến khi nhà có đám tiệc hoặc đến Tết Đoan Ngọ bắt cá lên vừa bán cá có tiền làm đám, vừa có cá để phụ làm món ăn đãi khách.
Nông dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) thu hoạch cá đồng và cá nước ngọt trong mương.
Vào dịp thu hoạch cá ở vùng đệm U Minh Thượng, không khí rất náo nhiệt, nông dân trong xóm tụ họp giúp nhau bắt cá. Trước đây, người dân thường tát đìa khô, nhưng nay hầu hết tát còn một phần nước gần cạn rồi kéo lưới bắt cá. Theo ông Nguyễn Minh Thơi, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, phía trên các liếp, ông trồng đu đủ, bưởi nên nguồn nước dưới mương trữ lại để tưới. Do đó bắt đầu vào mùa mưa, ông mới tát đìa thu hoạch cá, sau đó mương sẽ đón nước mưa. Năm nay ông Thơi thu hoạch các loại gồm cá trê, lóc, rô, rô phi… được thương lái đến tận nhà mua. Ông bán cá được khoảng 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Na, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận thả cá trong mương nhà. Ông Na cho biết hàng năm ông không tát mương mà bắt cá dần để ăn, nếu nhiều thì bán. “Tiền cá bắt ăn và bán tính ra mười mấy triệu đồng mỗi năm. Tôi không tính kỹ số tiền này vì đây là số tiền ngoài kế hoạch thu nhập của gia đình. Trong đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, gia đình tôi cũng như nhiều nhà bà con trong xóm bắt cá trong mương ăn, đỡ phải đi chợ, hạn chế tiếp xúc nhiều người”, ông Na nói.
Theo đồng chí Phạm Duy Tân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích người dân nuôi cá nước ngọt, trong đó có cá đồng để giữ gìn, phát triển nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Thượng. Một mùa cá, mỗi hộ thu hoạch trung bình vài trăm ký đến hơn một tấn cá nước ngọt, cá đồng các loại. Đối với cá lóc, trê đồng, thương lái đến tận nhà mua với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Bình quân mỗi hộ nuôi cá nước ngọt thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm.
Việc thu hoạch cá đồng không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn là nét sinh hoạt cộng đồng của người dân U Minh Thượng, bởi trong xóm có gia đình nào thu hoạch cá thì nhiều hộ lân cận đến phụ giúp, qua đó càng thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: